Luyện thi đại học môn Văn: Phân tích khổ đầu bài thơ "Đàn ghi ta của Lorca"
Đoạn đầu bài thơ: hình ảnh Lorca, con người tự do, nghệ sĩ cách tân trong
khung cảnh chính trị và nghệ thuật của Tây Ban Nha.
Nhà thơ Thanh Thảo đã từng
viết: “Lorca là nhà thơ của những giấc
mơ, của những linh cảm nhoi nhói; một nhà thơ có thể biến những giấc mơ thành
nhịp điệu, có thể biến những linh cảm thành ngôn từ. Lorca siêu thực một cách tự
nhiên và hiện thực một cách tự nhiên” (Lorca trong tôi). Vì thế, mở đầu bài
thơ, Thanh Thảo đã viết:
“Những tiếng đàn bọt nước
Tây
Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Li-la li-la li-la
đi
lang thang về miền cô độc
với
vầng trăng chếnh choáng
trên
yên ngựa mỏi mòn”
Nói
đến đất nước Tây Ban Nha, ngoài hình ảnh cây đàn ghi ta, còn có một hình ảnh nữa
cũng rất đặc trưng cho dân tộc. Đó là hình ảnh những dũng sĩ đấu bò tót với chiếc
áo choàng đỏ rực rỡ, chói chang đến mức chói “gắt”. Vì vậy, chỉ bằng mấy nét chấm phá, phần nào chịu ảnh hưởng của
trường phái tượng trưng siêu thực: một chiếc đàn ghi ta “li-la li-la li-la”, một chiếc áo choàng đỏ, trên yên ngựa…, Thanh
Thảo đã làm sống dậy, hiện lên trước mắt người đọc hình ảnh chàng thi sĩ Lorca,
người chiến sĩ dũng cảm kiên cường chiến đấu cho tự do, cho khát vọng cách tân
nghệ thuật được đặt trên một nền khung cảnh mang đậm bản sắc văn hoá Tây Ban
Nha. Những hình ảnh tương phản vừa giúp cho ta hình dung về Lorca, vừa gợi ta
liên tưởng đến khung cảnh của đấu trường. Nhưng đây không phải là đấu trường về
cuộc đấu giữa một đấu sĩ tài hoa, tài ba, kiêu dũng với con bò tót hung dữ mà
là một đấu trường đặc biệt với cuộc đấu giữa khát vọng dân chủ của người nghệ
sĩ – công dân yêu tự do Lorca với nền chính trị phát xít độc tài Franco, của
khát vọng cách tân nghệ thuật trong chàng thi sĩ Lorca với nền nghệ thuật bảo
thủ, già nua. Ở đó, con người yêu tự do và nhà cách tân nghệ thuật Lorca sao mà
mong manh và đơn độc đến thế! “Li-la
li-la li-la”, một câu thơ toàn là âm thanh của tiếng đàn ngân vang gợi cho
ta hình ảnh một dũng sĩ, một nghệ sĩ với tâm hồn và phong thái thật vô tư,
phóng khoáng đang hát ca đất trời Tây Ban Nha tươi đẹp, bao la, nhưng sao lại “những tiếng đàn bọt nước”? Phải chăng,
nó nói lên tiếng đàn bé nhỏ, giản dị, mát lành mà cũng dễ vỡ tan như bọt nước
tròn, phập phồng lúc hiện lúc tan rồi lại tan đi? Hình ảnh ấy đối lập với hình ảnh
“áo choàng đỏ gắt”, tượng trưng cho
cái mạnh mẽ, nhưng cũng rất hung dữ như tai hoạ chết chóc. Trong tương quan đối
lập ấy, số phận người nghệ sĩ thật mong manh, hư ảo. Chàng đi lang thang giữa
không gian đơn độc với “vầng trăng chếnh
choáng; trên yên ngựa mỏi mòn”. Phải chăng con đường về miền đơn độc mà
chàng đang đi là niềm lý tưởng của cuộc đời, của nghệ thuật, của cái đẹp? Con
đường ấy là con đường thăm thẳm đầy chông gai và gian khổ; nhiều người dũng cảm,
táo bạo dấn thân mà dễ mấy ai tìm được những tâm hồn đồng điệu?
Đăng nhận xét