Ôn thi đại học môn Văn: Tình yêu trong bài thơ "Sóng" của thi sĩ Xuân Quỳnh
I.Mở bài:
Xuân Diệu-ông Hoàng của thơ tình VN- có lần
đã thốt lên câu thơ đầy băn khoăn: “làm
sao cắt nghĩa được tình yêu”. Định nghĩa cắt nghĩa về tình yêu đó là dấu hỏi
mà nhân loại đặt ra nhưng không bao giờ có câu trả lời hoàn hảo. Duy chỉ có nhớ
chưa hẳn đã thành tình yêu, nhưng một khi đã yêu lại không thể không nhớ. Phải
thế chăng mà xưa nay trong văn học, thi ca, tình yêu và nỗi nhớ hầu như trở
thành một nguồn cảm xúc chủ đạo trong những tiếng nói tâm hồn thi sỹ bao thế hệ.
Mặc dù vậy, ta vẫn thấy ám ảnh, ấn tượng hơn hết những câu thơ diễn tả tinh tế,
duyên dáng tâm trạng người phụ nữ đang yêu trong bài thơ “Sóng” của nữ sỹ Xuân Quỳnh- Rút từ tập “Hoa dọc chiến hào”- 1968.
“Con sóng dưới lòng sâu
………………………….
Hướng về anh-
một phương”
II.Thân bài:
1.Giới thiệu về tác giả,
bài thơ:
Là gương mặt nổi bật trong thế hệ những
nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thơ Xuân Quỳnh thể
hiện nỗi lòng, tiếng nói của một trái tim phụ nữ đôn hậu, chân thành, nhiều lo
âu và luôn khát vọng trong hạnh phúc đời thường. Bài thơ “Sóng” đi sâu vào một khía cạnh của trái tim thi sỹ: niềm trăn trở,
khát khao được yêu thương, gắn bó. Xuyên suốt toàn bài thơ là hình tượng “Sóng”. Xuân Quỳnh đã tìm thấy sự tương
đồng giữa “Sóng” và tâm trạng người
phụ nữ đang yêu.Đó là khát vọng tình yêu dạt dào sôi nổi và da diết lắng sâu
như những đợt sóng miên man không dứt. Có lẽ khó có thể có một hình tượng nào
trong tự nhiên lại biểu đạt đầy đủ những cung bậc phong phú của tình yêu như
hình tượng sóng: vừa kín đáo, nữ tính mà cũng thật cháy bỏng, mãnh liệt. Đi liền
với hình tượng “sóng” là hình tượng
nhân vật trữ tình “em”. “Sóng” và “em” tuy hai mà một. Vì “sóng” là hình ảnh ẩn dụ, là sự hoá thân
của “em”. Tâm hồn người phụ nữ đang
yêu soi vào “sóng” để thấu rõ lòng
mình, qua “sóng” để biểu hiện những
trạng thái của lòng mình.
Đọan thơ trích nằm ở phần giữa bài thơ “Sóng” có thể xem đây là đọan thơ tiêu biểu
nhất toàn bài. Bởi cũng như tác phẩm,ở đoạn này, hai hình tượng “sóng” và “em” luôn tồn tại, đan cài vào nhau, khắc họa rõ nét nỗi nhớ, sự gắn
bó thuỷ chung. Mỗi trạng thái của “sóng”
đều tìm thấy sự tương đồng với một trạng thái nào đó của tâm hồn “em” đang cháy bỏng nỗi nhớ và khát khao
chung thuỷ.
Ý 2: Sáu câu
thơ đầu hé mở một nỗi nhớ với chiều sâu thăm thẳm, chiều dài dằng dăc và chièu
rộng mênh mông:
“Con sóng dưới
lòng sâu
………………………….
Cả trong mơ
còn thức”
Từ “ con
sóng” được láy lại ba lần liên tiếp trong ba câu thơ như để khắc họa sâu
hơn một nỗi nhớ nhung mãnh liệt, da diết- Một nỗi nhớ bao trùm cả không gian,
thời gian. Con sóng ở đáy đại dương hay con sóng ở trên mặt nước, con sóng vỗ bờ
ban ngày hay con sóng thao thức nhớ về đêm cũng vẫn chỉ là con sóng của tình
yêu muôn đòi, của nỗi nhung nhớ trong lòng “em”.
Và nỗi nhớ của tình yêu cũng thật diệu kỳ, nó dường như luôn luôn thường trực
trong tâm trạng con người. Nó không chỉ tồn tại ở nhận thức, mà còn hiện diện
bên trong tiềm thức, len lỏi vào cả những giấc mơ. Do đó, sự “tỉnh”, “thức” của người con gái đang yêu ở đây chỉ là những trạng thái sóng
khác nhau của nỗi nhớ cồn cào, cháy bỏng. Ta bắt gặp ngôn ngữ trong câu thơ có
chút gì đó cường điệu. Cường điệu nhưng lại hết sức chân thành và diễn tả đúng,
tinh tế tâm trạng con người.
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không
ngủ được”.
Thiên nhiên muôn đời vẫn vậy. Con sóng
ngàn xưa hay mai sau thì vẫn luôn vỗ vào bờ, ngày cũng như đêm. Nhưng bằng con
mắt quan sát tinh tường, Xuân Quỳnh đã nhận ra sự đồng điệu giữa thiên nhiên và
tâm hồn con người. Do đó, con “ sóng”
vỗ bờ theo quy luật tự nhiên đã trở thành biểu tượng cho nỗi nhớ da diết, cho nỗi
niềm băn khoăn, trăn trở trong tình yêu của người phụ nữ. Mượn con sóng êm dịu,
mạnh mẽ để nói lên nỗi nhớ nhung dường như vẫn chưa đủ, chưa thoả với một trái
tim đa cảm, nhiều khát khao hạnh phúc đời thường như Xuân Quỳnh, nữ sỹ còn trực
tiếp bộc bạch nỗi lòng mình:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ
còn thức”.
Từ con sóng nhớ bờ cho đến lòng em nhớ
anh, là cả một sự vận động, một quá trình đi từ nhận thức quy luật tự nhiên đến
nhận thức chính bản thân mình. Sóng và em thực sự đã hoà vào nhau, đã tìm được
tiếng nói chung về một nỗi nhớ đằm sâu, tha thiết mà cũng không kém phần mãnh
liệt, đắm say. Nhưng “sóng” và “em” cũng có sự khác nhau như “sóng” nhớ bờ thao thức cả ngày lẫn đêm,
nhưng đó vẫn là nỗi nhớ trong thời gian hiện thực. Còn “em” nhớ “anh” từ cõi “thực” đến cõi “mơ”. “Sóng” đã thao thức
thường xuyên và da diết “Ngày đêm không
ngủ được”, nhưng “em” còn thao thức, khắc khoải,da diết
hơn: “Lòng em…trong mơ còn thức”.Bất cứ một người phụ nữ nào
đã, đang và sẽ yêu đều có thể tìm thấy trong những vần thơ của Xuân Quỳnh sự đồng
cảm, tri âm. Có cảm giác như nữ sỹ đang nói hộ, nói thay những gì chúng ta nhận
thấy nhưng không thể biểu lộ ra bằng lời. Xuân Quỳnh viết hay nhất và thật nhất
trong những vần thơ chị bộc bạch nỗi lòng mình. Không chỉ bộc bạch bằng con
sóng dữ dội, dịu êm mà còn bộc bạch bằng hình ảnh con tàu mải miết chạy trên đường
ray cuộc sống:
“Em khác chi con tàu
Nay đây rồi
mai đó
Ngay cả lúc
giận anh
Mà lòng em vẫn
nhớ”
Nỗi nhớ trong tình yêu nó lạ lùng đến như
vậy. Người ta chỉ có thể cảm nhận được nó, nhưng lại không thể giải thích được
và càng không thể xua tan nó ra khỏi tâm hồn mình:
“Em chẳng thể nào quên được anh
Đã bao lần em nhắc mình
như thế
Em gạt anh ra
khỏi niềm trăn trở
Nỗi nhớ chẳng
vâng lời,nỗi nhớ cứ tìm anh”.
Trớ trêu hơn, càng
cố công vùi lấp, nỗi nhớ càng hiện lên rõ ràng, trĩu nặng:
“Đã bao lần em
cố quên anh
Em vùi lấp
bóng anh vào cát
Nhưng em lại
như con đà điểu giữa sa mạc
Vục đầu vào cát bỏng bóng hình anh”
Cho nên, càng hiểu về nỗi nhớ của con người
đang yêu, ta lại càng thấy được rằng trạng thái nhớ nhung đến “cả trong mơ còn thức” của nhân vật “em” trong bài thơ “Sóng” hoàn toàn không phải là cách nói phi thực tế. Về nghệ thuật,
ở khổ này, tác giả đã sử dụng thủ pháp điệp (“Con sóng” được điệp ba lần), thủ pháp đối lập (dưới >< trên,
lòng sâu ><mặt nước) và biện pháp nhân cách hoá (“Con sóng nhớ bờ”) cũng đã
diễn tả rất thành công nỗi nhớ da diết khắc khoải, sâu sắc dồn lên tầng tầng lớp
lớp như từng đợt sóng mãnh liệt nối tiếp nhau trào dâng thôi thúc của cái “ tôi” trữ tình “em”.
Ý3:Khẳng định một tình yêu sâu sắc bằng nỗi nhớ mãnh liệt
chưa đủ,ở bốn câu thơ sau,tác giả khẳng định lòng chung thuỷ luôn đi liền với
tình yêu và nỗi nhớ:
“Dẫu xuôi về
phương Bắc
Dẫu ngược về
phương Nam
Nơi nào em
cũng nghĩ
Hướng về
anh-một phương”
Lại một lần nữa, cách lặp điệp từ “dẫu” “về” hai lần liên tiếp trong hai
câu thơ dầu đã khẳng định một cách chắc chắn về tình yêu bền chặt, sắt son
trong tâm hồn người con gái. “Dẫu xuôi” ,
“Dẫu ngược” , “phương Nam ”
là khoảng cách địa lý, là sự xa xôi ngăn trở những tấm lòng. Nhưng trong cái
mênh mông của trời đất ấy, giữa những phương Bắc, phương Nam vô định ấy, lòng
em luôn luôn đã định sẵn cho mình một hướng nhìn, nhìn về “phương anh”. “Phương anh”
không còn đơn thuần là khoảng không gian địa lý, mà đã trở thành phương của tâm
lý, tâm trạng. Đó là nơi hướng về của trái tim người phụ nữ đang yêu say đắm,
thiết tha. Câu thơ gợi cho ta nhớ đến bài thơ “Sợi nhớ, sợi thương” của Thuý Bắc. Thuý Bắc cũng đã dùng “phương anh” để xác định phương hướng cho
nỗi nhớ thương của mình:
“Rợp trời thương
Màu xanh suốt
Em nghiêng hết
Về phương
anh”
Nếu như người con gái trong thơ Thuý bắc
nghiêng hết bầu trời xanh thương nhớ không phải về bên Đông, bên Tây mà về bên
anh,thì nhân vật “ em” trong bài thơ “ Sóng” của Xuân Quỳnh giữa những phương
nam, phương bắc vẫn có sự định hướng vững chắc:
“ Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh-
một phương”
Lời thơ ở đây mang lại cho ta cảm giác về
một sự bền chặt, son sắt như là một lời nguyện thề chung thuỷ trong tình yêu.
Việc Xuân Quỳnh dùng “ sóng” trong trạng
thái động để gợi tả tình yêu của người phụ nữ là một sáng tạo bất ngờ. Vì thơ
ca xưa nay thường nhìn tình yêu của nữ giới ở trạng thái tĩnh, thụ động: “ Thuyền về…đợi thuyền”. Còn ở đây “ sóng”
cũng chính là “ em” đã chủ động tìm đến
với bờ. Đó là biểu hiện tính hiện đại của tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh. Với
Xuân Quỳnh, trái tim của người phụ nữ không bằng vàng, không phải là mặt trời,
nó là trái tim máu thịt đời thường ai cũng có. Nhưng nó luôn chất chứa một tình
yêu thuy chung, gắn bó tới mức cái chết cũng không thể chia cắt nổi:
“ Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời
thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập
lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu
anh…cả khi chết đi rồi”.
( Tự hát).
Ở đoạn thơ trên, với thể thơ năm chữ nhịp
nhàng như giai điệu sóng biển, như nhịp lòng thi sĩ, với biện pháp điệp từ, điệp
cú pháp đã tạo nên sức lôi cuốn lạ lùng của một tiếng nói tình yêu nồng nàn,
say đắm và tha thiết, thủy chung.
III. Kết luận:
Vũ Tú Nam từng nói:”Thơ Xuân Quỳnh trong sáng, cái trong sáng được chắt lọc qua nhiều nỗi đau”. Phải chăng những
lời thơ trong đoạn thơ của bài “ Sóng”
trên đây cũng là những ngôn ngữ được cất lên từ một tâm hồn người phụ nữ luôn
băn khoăn, trăn trở nỗi niềm khao khát hạnh phúc đời thường? Đời thơ Xuân Quỳnh
tuy ngắn ngủi, nhưng những con sóng lòng của thi sĩ chắc chắn sẽ luôn tìm được
sự hoà điệu trong tâm hồn người đọc cũng như con sóng vỗ bờ trong tự nhiên hôm
nay và mai sau./.
Đăng nhận xét