Luyện thi đại học môn Văn: Phân tích vẻ đẹp
lãng mạn của hình tượng Huấn Cao.
“Chữ
người tử tù” được rút từ tập “Vang
bóng một thời” – 1940, đã dựng được một thế giới lầm lỗi, tù ngục, tăm tối.
Trên nền tăm tối ấy, hiện lên ba đốm sáng cô đơn, lẻ loi: Huấn Cao, viên quản
ngục, thầy thơ lại. Nhưng nổi bật nhất trong số đó vẫn là Huấn Cao, một hình tượng
rất mực tài hoa, có thiện tâm và bất khuất hiên ngang mang rõ dấu ấn, phong
cách Nguyễn Tuân.
II. Thân Bài:
1. Thế nào là vẻ đẹp lãng mạn?
Đó là một vẻ đẹp đã được lý tưởng
hoá, được biểu hiện một cách khác thường, sáng chói trong hoàn cảnh tưởng như
không thể xảy ra được. Vẻ đẹp ấy được tô đậm bằng hàng loạt sự tương phản gay gắt.
Hiểu như vậy chúng ta thấy Huấn Cao quả là một hình tượng có những vẻ đẹp đặc sắc.
2. Vẻ đẹp tài hoa.
Cũng như hầu hết các nhân vật nho sĩ
trong “Vang bóng một thời”, Huấn Cao
là con người có phẩm chất nghệ sĩ hết mực tài hoa, mà cái tài hoa, cái chất nghệ
sĩ ấy của Huấn Cao được kết tinh trong con chữ của ông. Cả một nền Hán học hơn
ngàn năm đã tạo ra thú chơi chữ, nghệ thuật thư pháp trong tầng lớp trí thức
xưa. Thú chơi ấy dần trở thành một nét đẹp sinh hoạt văn hóa tinh thần của cha
ông. Theo quan niệm một thời, chữ viết không chỉ là nơi con người bộc lộ sự tài
hoa mà còn là nơi con người gửi gắm tâm hồn, cá tính, khát vọng. Treo chữ, treo
câu đối trong nhà vì thế là sở thích của những người sống có văn hoá, có trình
độ thẩm mĩ cao. Là một nhà thư pháp, tài viết chữ của Huấn Cao đã trở nên huyền
thoại, một tiếng vang lớn trong xã hội “Chữ
ông đẹp lắm, vuông lắm; đẹp đến mức trở thành niềm khao khát của cả những con
người theo đuổi sách vở thánh hiền mà có được chữ của ông treo trong nhà là có
một vật báu trên đời”. Ta hiểu vì sao viên quản ngục lại kiên trì đối xử “biệt nhỡn” với Huấn Cao và liều mạng để
xin chữ. Bởi việc này mà bị cáo giác thì quản ngục có thể phải đổi giá bằng cả
chính sinh mệnh của mình. Có thể nói, cho chữ với Huấn Cao là thổi hồn, nhắn gửi
tâm tư, là làm thơ, làm hoạ bằng nét bút dưới bàn tay điêu luyện của mình. Những
con chữ ấy là nơi hội tụ tất cả cái tài, cái tâm, cái khí phách của một bậc anh
hùng - nghệ sĩ. Với nhân vật Huấn Cao, con chữ là sự thể hiện phẩm chất nghệ sĩ
của ông, đồng thời cũng là sự kết tinh những giá trị văn hoá cổ truyền của dân
tộc.
3. Huấn Cao còn là người có nhân
cách trong sáng, biết quý hai chữ “thiên
lương” giàu thiện tâm.
Bên cạnh con người nghệ sĩ tài hoa,
Huấn Cao còn là con người có nhân cách trong sáng, biết quý hai chữ “thiên lương”. Đó chính là thiện tâm, là
bản lĩnh của Huấn Cao giữa cuộc đời xấu xa. Điều này được thể hiện rõ nhất
trong thái độ của ông đối với những người xin chữ “tính ông vốn khoảnh (rất khó tính, kỹ tính), trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Ông nói : “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc, lụa là hay
quyền thế mà phải ép viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ
bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân ta thôi”. Nhân cách Huấn
Cao xét cho cùng chính là ở thái độ coi thường tiền bạc và quyền lực phi nghĩa,
khinh bỉ cái xấu, cái ác trong xã hội ông. Vậy mà ông lại vui lòng viết câu đối
cho viên quản ngục, con người có vị trí xã hội hoàn toàn đối lập với ông. Việc ấy
của Huấn Cao không phải là hành động tự nhiên, nó là kết quả của mối duyên kì
ngộ xảy ra trong quá trình tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu, những nhân cách
thanh cao. Ban đầu, nhận sự biệt đãi của viên quản ngục, Huấn Cao hết sức thản
nhiên, thờ ơ. Bởi ông nghĩ rằng con người này lại có một âm mưu gì hèn hạ, đen
tối đối với mình. Trong câu nói của ông với quản ngục buổi ban đầu gặp mặt chất
chứa một thái độ khinh bỉ không cần kìm nén “ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Nhưng
khi hiểu được tâm sự kín đáo, sở thích cao quý của viên quản ngục, Huấn Cao lại
xúc động thốt lên những lời thân tình: “Ta
cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người
như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta
đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. “Tấm lòng” ở đây là “tấm lòng”
biết quý, biết yêu, biết trân trọng cái tài, cái đẹp. Những tấm lòng trong sạch,
có “thiên lương” như thế quả là khá
hiếm hoi trong xã hội đương thời. Nhất là trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống
bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc; tính cách dịu dàng và biết giá người, biết trọng
người ngay của viên quản ngục là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa bản đàn
mà hết thảy nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ… Sự chơi khăm của ông trời là đem đầy
ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Nghĩa là quản ngục là một
người giàu “thiên lương”, giàu thiện
tâm. Và để đáp lại thiện tâm của viên quản ngục, Huấn Cao đã dành đêm cuối cùng
ở tỉnh Sơn trước khi bị giải về kinh chịu án tử hình, viết những con chữ bằng tất
cả sự tài hoa tặng lại cho quản ngục.
4. Huấn Cao còn đẹp hơn nữa ở phẩm
chất bất khuất, hiên ngang.
Đẹp ở nhân cách thanh sạch, đẹp ở
tâm hồn nghệ sĩ, hình tượng Huấn Cao còn mang vẻ đẹp hiên ngang, bất khuất của
một bậc anh hùng hào kiệt. Ở đây, ta đã bắt gặp Huấn Cao có bóng dáng một đại
nhân sĩ: Cao Bá Quát, con người cả cuộc đời chỉ biết cúi đầu trước một nhành
mai, con người dám chủ xướng cuộc khởi nghĩa nông dân Mĩ Lương chống lại triều
đình phong kiến. Dù rằng chí lớn không thành, bản thân bị khép tội chu di tam tộc,
Cao Bá Quát vẫn giữ một phong thái ung dung, bình thản ngay cả khi bước vào đoạn
đầu đài tư thế hiên ngang của ông vẫn được thể hiện trong bài thơ tuyệt mệnh mà
ông để lại cho đời;
“Thằng tớ hôm nay trả lại đầu
Trần
gian ngoảnh lại nhắn đôi câu
Thằng
nào chém tớ, chém cho đứt
Có
lấy tiền công tớ trả sau”
Cũng như Cao Bá Quát, ở Huấn Cao khí
phách hiên ngang là một khía cạnh nổi bật nhất làm nên vẻ đẹp rực rỡ, tầm vóc lớn
lao của hình tượng nhân vật Huấn Cao. Hình ảnh ông Huấn Cao lạnh lùng đứng đầu
chiếc gông dài 8 thước, nặng 7,8 tạ, dẫn sáu đồng chí tù lừng lững, thản nhiên
bước vào nhà giam giữa chốn lao tù đầy tử khí vẫn ung dung nhắm rượu thịt do
thơ lại mang tới “coi như đó là việc vẫn
làm trong cái hứng bình sinh lúc chưa bị giam cầm”… đã gieo vào lòng người
đọc biết bao niềm cảm phục. Con người ấy còn cả gan trả lời viên quản ngục bằng
những câu hết sức cao ngạo, tỏ một thái độ khinh bạc ra mặt dù biết rất có thể
phải chịu những trận báo thù khủng khiếp… Bằng tất cả tình cảm ngưỡng mộ, Nguyễn
Tuân đã dựng lên một bức chân dung về người anh hùng khí phách Huấn Cao, con
người chọc trời, quấy nước, suốt đời chưa từng biết cúi đầu trước một uy lực
nào. Trong bất cứ mọi hoàn cảnh, lúc làm người tự do cũng như khi trở thành người
tử tù, Huấn Cao đều sống rất đẹp, rất hiên ngang. Hình ảnh ông Huấn Cao hiện
lên trong tư thế ung dung, đĩnh đạc, đường hoàng, ngang tàng, bất khuất vào những
ngày cuối của cuộc đời, những ngày đối diện với cái chết toát lên vẻ uy nghi rực
rỡ của một bậc anh hùng hào kiệt.
Tất cả vẻ đẹp của hình tượng Huấn
Cao được thể hiện tập trung ở cảnh cho chữ tại nhà lao vào cái đêm hôm ấy. Tác
giả gọi đây là “một cảnh tượng xưa nay
chưa từng có”. Điều kì lạ chưa từng có là việc viết chữ và tặng chữ vốn là
một thú chơi tao nhã có phần thanh cao của những bậc tài hoa nghệ sĩ, đáng lẽ
diễn ra ở chốn thư phòng, nhưng ở đây, lại diễn ra trong cảnh nhà lao tăm tối,
bẩn thỉu.
Điều lạ chưa
từng có là giữa chốn ngục tù tăm tối như thế, không phải là bọn lính tráng cai
ngục làm chủ mà người tù trở thành người làm chủ.
Đây là sự chiến thắng của ánh sáng
trước bóng tối, của cái đẹp trước cái xấu xa nhơ bẩn. Cảnh ấy tượng trưng cho
cái đẹp, sự tài hoa đã đăng quang và khi ấy nó có thể cứu vớt được con người.
Sau khi tên tử tù viết xong những
dòng chữ, đã đĩnh đạc bảo viên quản ngục: “Ta
khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức
lụa trắng với những nét chữ vuông vắn, tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão
tung hoành của một đời người... Thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy
nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến
nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. “Ngục
quản cảm động vái tên tử tù một vái, nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng
làm cho nghẹn ngào: kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Huấn Cao không chấp nhận
cái tài, cái đẹp chung sống với cái xấu xa. Con người không thể vừa yêu cái đẹp
lại vừa làm điều ác và muốn chăm lo cái đẹp thì trước hết phải giữ cái thiện. Ý
nghĩa triết lý sâu xa toát lên từ lời khuyên của Huấn Cao là ở chỗ đó. Đoạn văn
là một lời ca xúc động nhất đối với một nhân cách phi thường. Màu trắng của
vuông lụa, mùi thơm ngát của thoi mực cùng với ánh sáng đỏ rực của bó đuốc dường
như cùng hoà vào nhau để trở thành bất tử như cái bất tử của hình tượng Huấn
Cao.
Với cảm hứng lãng mạn, bằng thủ pháp
đối lập, qua “Chữ người tử tù”, Nguyễn
Tuân đã khắc họa được một hình tượng độc đáo: Huấn Cao. Hình tượng Huấn Cao
mang vẻ đẹp bi tráng đã được lý tưởng hoá. Tác giả gọi đó là “ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ”. Nhân
vật thể hiện rõ tư tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Đó là khát vọng muốn vươn lên
trên cái xấu xa hướng tới cái đẹp, cái thiện và đặt niềm tin bất diệt vào những
giá trị cao quý của con người như tài hoa, nhân cách, khí phách. Ca ngợi Huấn
Cao, Nguyễn Tuân muốn bày tỏ tấm lòng yêu nước thầm kín của mình: trân trọng, cảm
phục sâu xa đối với những bậc anh hùng đã xả thân vì nghĩa lớn.
Đăng nhận xét