Ôn thi đại học môn Văn: Phân tích nhân vật Chí Phèo để
làm nổi bật bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
Xem thêm: Một thời đại trong thi ca
Tóm tắt sự nghiệp của Nam Cao
Xem thêm: Một thời đại trong thi ca
Tóm tắt sự nghiệp của Nam Cao
Bài Làm
Bình luận về nhân vật Chí Phèo một
nhà phê bình văn học viết: “Khi chị Dậu,
anh Pha xuất hiện trên những trang sách của dòng văn học hiện thực phê phán,
người ta cứ nghĩ nỗi khổ của người nông dân ở một nước thuộc địa nửa phong kiến
đến như thế là cùng. Nhưng khi Chí Phèo khật khưỡng bước ra từ những trang sách
của Nam
Cao, người ta liền mới nhận ra rằng đây là hiện thân của những gì khốn khổ, tủi
nhục nhất”. Chị Dậu phải bán chó, bán con, bán cả dòng sữa ngọt ngào của đời
mình nhưng dầu sao chị vẫn được gọi là người. Còn Chí Phèo phải bán cả diện mạo
và linh hồn của mình để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Và khi ý thức
nhân phẩm được trở về thì lại bị xã hội lạnh lùng cự tuyệt để phải tìm đến cái
chết thảm thương. Tấn bi kịch thê thảm và độc đáo của nhân vật Chí Phèo trong
tác phẩm cùng tên được Nam Cao diễn tả thấm thía và cảm động là ở chỗ đó.
I. Lai lịch = đoạn đời 1 - xuất thân của Chí
Phèo là một người nông dân lương thiện.
Lai lịch của Chí Phèo là một số
không tròn trĩnh. Hắn là một thằng không cha, không mẹ, không bà con thân
thích, không một tấc đất cắm dùi. Ngay từ khi mới sinh ra, hắn đã bị vứt bên
cái lò gạch cũ bỏ không. Hắn được một người thả ống lươn mang về nuôi, sau đó
cho người đàn bà goá mù. Và người đàn bà goá mù bán cho bác Phó Cối. Suốt quãng
đời niên thiếu, Chí Phèo không có tuổi thơ. Hắn phải sống kiếp bơ vơ đi ở cho hết
nhà này sang nhà nọ. Đến tuổi trưởng thành, Chí Phèo làm anh canh điền cho nhà
Bá Kiến, một tên địa chủ kiêm cường hào khét tiếng độc ác, gian hùng. Tuy phải
làm thân trâu ngựa, bị áp bức bóc lột thậm tệ nhưng đã có một thời Chí Phèo là
người nông dân lương thiện, khoẻ mạnh về thể xác, lành mạnh về tâm hồn.
II. Bi kịch 1 = đoạn đời 2 – Chí Phèo đặt ra
vấn đề xã hội: người nông dân bị tha hoá, đầy đoạ, lăng nhục…
Nhưng quãng đời lương thiện của Chí
Phèo đã bị chấm dứt nhanh chóng bởi bàn tay độc ác của giai cấp thống trị. Chỉ
vì một cớ ghen tuông vu vơ, Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù. Mỉa mai thay, nhà
tù, cái công cụ cải tạo con người của chế độ thực dân đã tiếp tay cho bọn cường
hào phong kiến để giết chết phần người trong Chí Phèo. Từ làng Vũ Đại vào tù,
Chí Phèo là một con người; ở tù ra, về làng Vũ Đại, Chí Phèo là một con quỷ.
Sau bảy, tám năm biệt tích trở về, Chí Phèo xuất hiện trước mắt dân làng với một
bộ dạng rất kì quái: “cái đầu trọc lóc,
cái răng cạo trắng hớn, hai con mắt gườm gườm trông gớm chết. Nhìn mặt hắn người
ta nghĩ là mặt của một con vật lạ”.
Nam Cao vốn là một nhà văn chú trọng
đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật hơn là chú trọng vẻ bề ngoại, rất ít khi
ông tả ngoại hình nhân vật kĩ lưỡng như tả Chí Phèo lúc này. Bởi một khi đã trở
thành quỷ dữ, Chí Phèo không thể mang khuôn mặt khoẻ mạnh và lành như đất của
anh Chí ngày nào. Quá trình tha hoá, lưu manh hoá của hắn là quá trình diễn ra
trên cả hai phương diện: ngoại hình và tính cách, nhân hình và nhân tính. Trên
đường đến nhà Bá Kiến, tay cầm cổ chai, Chí Phèo vừa đi vừa chửi bới, nguyền rủa
nhưng dường như đằng sau tiếng chửi lảm nhảm của Chí Phèo là ý thức mơ hồ về bi
kịch về cuộc đời mình, là nỗi căm phẫn vật vã, tuyệt vọng của một con người
thèm khát được giao tiếp với đồng loại. Mà tội nghiệp thay, khát khao được giao
tiếp của Chí đơn giản chỉ là có được một tiếng người chửi lại hắn. Làng Vũ Đại
để mặc hắn trong sự im lặng đáng sợ. Trong nỗi cô đơn, đáp lại hắn hoạ may chỉ
có mấy con chó. Thành ra Chí Phèo cũng chỉ là một con vật sống giữa sự lạnh nhạt
của xã hội loài người.
Giờ đây, để tồn tại với bọn cường hào (ăn thịt người không biết tanh),
Chí Phèo không thể hiền lành nhẫn nhục như trước nữa. Bởi càng hiền lành, nhẫn
nhục thì càng bị nhấn xuống bùn. Muốn sống phải gây gổ, cướp giật, ăn vạ, muốn
thế phải liều lĩnh, mạnh mẽ, những thứ ấy Chí Phèo tìm thấy ở rượu. Cho nên, cuộc
đời Chí Phèo giờ đây được tính bằng những cơn say, những tội ác. Đó là một cuộc
đời sống vô thức, một công cụ tội ác trong tay bọn thống trị… “Hắn say thì hắn làm bất cứ việc gì người ta
sai hắn làm… Hắn tác oai tác quái cho bao nhiêu dân lành, phá bỏ bao nhiêu cơ
nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy
máu và nước mắt của bao nhiêu người dân lương thiện”. Mọi hành động, tội ác
của Chí Phèo là sự phản ứng gay gắt, quyết liệt của người nông dân lương thiện
bị dồn tới bước đường cùng. Nhưng tính chất tha hoá, lưu manh của Chí Phèo đã
làm cho những phản ứng đó trở nên mất phương hướng, tiêu cực, rất nguy hiểm, dễ
bị kẻ thù mua chuộc, lợi dụng. Càng ngày, Chí Phèo càng rơi sâu vào vực thẳm của
đau thương và tội lỗi, trượt dài trên con đường tha hoá, lưu manh không lối
thoát. Hắn lâm vào một tấn bi kịch đầy nghịch lí: vừa là nạn nhân đau thương của
giai cấp thống trị, vừa là con quỷ dữ đối với dân làng Vũ Đại. Mọi người đều sợ
và tránh mặt Chí Phèo mỗi lần hắn đi qua.
Như vậy, đẻ ra người nông dân lương
thiện là một bà mẹ hiền lành, tội nghiệp nào đó lén lút vứt đứa con vào một cái
lò gạch bỏ không. Nhưng đẻ ra một thằng Chí Phèo lưu manh, tha hoá bị đầy đoạ,
lăng nhục, bị cướp cả nhân tính và nhân hình, bị đối xử như một con vật là toàn
bộ xã hội thực dân phong kiến bất công, tàn bạo, vô nhân đạo thời bấy giờ.
III. Bi kịch 2 = đoạn đời 3:
Nhưng bi kịch của Chí Phèo không chỉ
dừng lại ở đó. Chí Phèo còn lâm vào một tấn bi kịch đau đớn hơn: bi kịch bị cự
tuyệt quyền làm người. Giữa bóng tối mênh mông của cuộc đời, vào một đêm trăng
thơ mộng, Chí Phèo được gặp Thị Nở, một người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn. Được
sự săn sóc giản dị bằng tình yêu thương mộc mạc, chân thành không tính toán của
người đàn bà khốn khổ là Thị Nở, bản chất người nông dân lao động lương thiện
trong Chí Phèo đã thức dậy. Nam Cao đã giành cho Chí Phèo những trang văn xuôi
cảm động đầy chất thơ để miêu tả tình yêu và qúa trình thức tỉnh chất người
trong hắn. Lần đầu tiên tỉnh dậy sau những cơn say vô tận, Chí Phèo lắng nghe từng
âm thanh náo nức của cuộc sống vang động vào tâm hồn mình: những âm thanh quen
thuộc như tiếng chim hót, tiếng gõ mái chèo anh thuyền chài đuổi cá trên sông,
tiếng chuyện trò của mấy người đàn bà đi chợ về… Đó là âm thanh cuộc sống gia
đình hạnh phúc ngày nào cũng diễn ra nhưng chỉ hôm nay Chí Phèo mới nghe thấy.
Bởi sau một thời gian dài, Chí Phèo bị xã hội thực dân phong kiến với bọn cường
hào độc ác, nhà tù tàn bạo làm cho mù điếc tâm hồn. Giờ đây tâm hồn hắn đã được
Thị Nở với bát cháo hành chứa đựng bên trong hương vị của tình yêu chân thành
và hạnh phúc giản dị thấm thía làm cho sáng tỏ. Lần đầu tiên hắn biết buồn vì sự
cô độc; cũng là lần đầu tiên hắn biết nhớ, biết hồi tưởng về quá khứ với ước mơ
một gia đình hạnh phúc, yên vui, bình dị. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở có ý nghĩa như
một tia chớp loé lên trong cuộc đời tăm tối triền miên của Chí Phèo. Nó giúp
Chí Phèo nhận ra tình trạng bi đát và tuyệt vọng của số phận mình:
“Nhìn phía trước người thân chẳng có
Ngó
sau lưng quá khứ rợn ghê người”
Tình yêu thương đã thức tỉnh con người,
khơi dậy trong hắn nỗi khát khao lương thiện. Chí Phèo rưng rưng cảm động. Chí
Phèo muốn làm hoà với mọi người biết bao, nghĩa là hắn vô cùng tha thiết muốn kết
nạp trở lại cái xã hội bằng phẳng của những con người lương thiện. Thị Nở là
cái cầu đưa Chí Phèo trở về cuộc sống lương thiện và câu trả lời của Thị Nở quyết
định số phận của Chí: được kết nạp trở lại xã hội loài người hay vĩnh viễn bị đầy
đoạ trong kiếp sống thù hận. Chí Phèo hồi hộp hi vọng. Nhưng cánh cửa hi vọng vừa
hé mở thì lại bị đóng sầm ngay lại vì bà cô của Thị không cho Thị đâm đầu đi lấy
một thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ. Nhưng trách gì bà cô – bà cô là hiện
thân của thành kiến, định kiến bất công, vô nhân đạo của làng Vũ Đại, của xã hội
cũ. Lâu nay, mọi người trong làng quen coi hắn là quỷ dữ mất rồi! Chí Phèo đã sống
những giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời trong tình yêu, lại rơi vào những
giây phút đau đớn nhất của tấn bi kịch tinh thần. Rượu không thể làm hắn say… “hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành”
– cái hương vị của tình người, tình thương yêu mà Chí không thể quên được dù chỉ
nếm trải trong một lần ngắn ngủi; hắn ôm mặt khóc rưng rức. Giọt nước mắt của
Chí Phèo là sự thể hiện cao nhất đỉnh điểm của nỗi đau đớn khi nhận ra mình đã
bị cự tuyệt quyền làm người.
Chí Phèo lại uống rượu và xách dao
ra đi. Nhưng hắn không rẽ vào nhà Thị Nở như dự định ban đầu mà đến thẳng nhà
Bá Kiến. Trong cơn đau khổ và tuyệt vọng, Chí Phèo trở thành người nô lệ thức tỉnh,
một đầu óc sáng suốt nhất làng Vũ Đại, hắn hiểu ra, thấm thía tội ác của kẻ đã
cướp cả hình người và hồn người của mình là Bá Kiến. Chí Phèo lần này quyết đến
để trả thù. Đứng trước Bá Kiến, Chí Phèo đã chỉ tay vào mặt lão và dõng dạc đòi
quyền làm người, đòi được làm lương thiện. Chí Phèo đã vung dao lên giết chết
Bá Kiến. Giết xong Bá Kiến, Chí Phèo quay lại tự giết mình. Chí Phèo chết vì
không tìm được lối thoát, vì xã hội không cho hắn sống. Ý thức nhân phẩm đã trở
về, Chí Phèo không bằng lòng kiếp sống thú vật nữa nên đã tìm đến cái chết. Chí
Phèo chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống và cái chết của Chí cũng là một cái
chết thê thảm của một con vật. Nó có ý nghĩa tố cáo xã hội một cách sâu sắc và
mãnh liệt.
Trước đây để bám lấy cuộc sống, Chí
Phèo đã từ bỏ nhân phẩm. Giờ đây ý thức nhân phẩm đã trở về thì Chí Phèo lại phải
thù tiêu cuộc sống của mình. Gấp trang sách lại ta còn nghe văng vẳng đâu đây
câu hỏi của Chí Phèo: “Ai cho tao lương
thiện?”. Đó là một câu hỏi chứa chất phẫn uất đau đớn làm day dứt hàng triệu
trái tim người đọc: làm thế nào để cho con người được sống cuộc sống con người
trong cái xã hội tàn bạo vùi dập nhân tính ấy? Câu hỏi của Chí Phèo là “Một câu hỏi lớn. Không lời đáp” thật ai
oán, tuyệt vọng! Đấy cũng chính là bi kịch lớn nhất ở nhân vật yêu quý này.
Từ số phận nhân vật Chí Phèo, Nam
Cao muốn khái quát một hiện tượng phổ biến ở nông thôn nước ta trước Cách mạng:
một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hoá, lưu
manh hoá.
Kết luận:
Sáng tạo ra nhân vật Chí Phèo với
gương mặt không tuổi, chằng chịt đầy vết sẹo và với tâm hồn mang nỗi đau quằn
quại của một con người bị cự tuyệt quyền làm người, Nam Cao đã mang lại cho người
đọc một cái nhìn hoàn toàn mới, ở một góc độ mới về nông dân: cái nhìn vào cõi
tinh thần, vào chiều sâu bi kịch. Viết những trang văn đau đớn thấm đẫm nước mắt
về bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí , Nam Cao đã cắm cho mình một cái mốc vinh quang
trên con đường trở thành nhà văn lớn của văn học hiện thực và văn xuôi Việt Nam thế
kỉ XX.
Đăng nhận xét