TopBanner

 

Luyện thi đại học môn Văn: Tóm tắt sự nghiệp của Nam Cao.

Xem thêm: Chí Phèo và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

Bài Làm

            Trên bầu trời dòng văn học hiện thực phê phán, vào giai đoạn cuối (1939 – 1945), Nam Cao (1917 – 1951), tên thật là Trần Hữu Tri ở làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã nổi bật lên như một ngôi sao long lanh toả sáng.

Luyện thi đại học môn Văn: Tóm tắt sự nghiệp của Nam Cao.

            Sự nghiệp văn học Nam Cao có thể chia làm hai giai đoạn:
            A. Trước Cách mạng:
            1. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nam Cao đã mơ ước sáng tác. Những tác phẩm của ông lúc này còn mang nặng khuynh hướng lãng mạn, thoát ly, thi vị hóa hiện thực mà sau này ông đã tự phê phán cho đó là thứ văn chương như “ánh trăng lừa dối”. Ông kí các bút danh: Thuý Rư, Xuân Du, Nhiêu Khê, Nguyệt… Chỉ mãi đến năm 1941, khi kiệt tác “Chí Phèo” ra đời, Nam Cao mới chuyển hẳn sang trường phái hiện thực theo con đường nghệ thuật “vị nhân sinh” để kế tục những tên tuổi lừng danh như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng…
            2. Những sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tháng tám tập trung vào hai đề tài chính:
            - Cuộc sống của những người tiểu tư sản nghèo.
            - Cuộc sống của những người nông dân cùng khổ.
            Dù viết về đề tài nào thì điều mà Nam Cao quan tâm trước tiên và day dứt nhất là tình trạng con người bị tha hoá và bị xói mòn về nhân phẩm, thậm chí bị huỷ hoại cả nhân tính trong xã hội phi nhân đạo đương thời.
            3. Về đề tài trí thức tiểu tư sản, đáng chú ý là các truyện ngắn: “Trăng sáng”, “Đời thừa”, “Nước mắt”, “Quên điều độ”, “Những chuyện không muốn viết”… và tiểu thuyết “Sống mòn” (1944). Trong những tác phẩm này, Nam Cao đã miêu tả hết sức chân thực và cảm động tình trạng nghèo khổ, sống dở chết dở của người trí thức nghèo. Trong đó, tác giả đặc biệt đi sâu vào những tấn bi kịch tâm hồn họ. Đó là tấn bi kịch dai dẳng, thầm lặng mà đau đớn của những con người có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm; có hoài bão lớn về một sự nghiệp tinh thần cao cả, nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và cuộc sống tàn nhẫn đầy rẫy bất công đẩy vào cảnh “Đời thừa”.
            Phê phán cái xã hội phi nhân đạo đã bóp nghẹt sự sống và tàn phá tâm hồn con người, Nam Cao đồng thời cũng thể hiện niềm khao khát hướng tới cuộc sống đẹp đẽ xứng đáng với con người.
            4. Ở đề tài người nông dân: là nhà văn sinh ra và lớn lên nơi chốn bùn lầy, nước đọng, Nam Cao hiểu biết khá sâu sắc về cuộc sống những con người thấp cổ bé họng này. Ông đã để lại chừng 20 truyện ngắn có giá trị về đề tài này, đáng chú ý là : “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “Nghèo”… “Trẻ con không được ăn thịt chó”,… “Dì Hảo”. Qua những tác phẩm trên, Nam Cao vừa mô tả một cách thấm thía và cảm động những số phận tăm tối hẩm hiu bị tha hoá, bị lăng nhục của người nông dân, vừa kết án sâu sắc cái xã hội tàn bạo đã tàn phá cả thể xác lẫn linh hồn của họ, đồng thời phát hiện và khẳng định: phẩm chất lương thiện đẹp đẽ của họ ẩn giấu đằng sau những tâm hồn tưởng như tối tăm và cằn cỗi đó. Chiều sâu của ngòi bút hiện thực và nhân đạo của Nam Cao chính là ở đấy.
           5. Nam Cao đã không thấy được khả năng đổi đời của người nông dân và triển vọng xã hội. Tuy vậy, trong truyện ngắn “Điếu văn” (1944), Nam Cao đã có lời chào đón chân thành, tha thiết tia sáng bình minh đang bừng dậy ở chân trời “Cuộc đời không thể cứ mù mịt mãi mãi thế này đâu… một rạng đông đã báo rồi!”.

            B. Sau Cách mạng:
            1. Nam Cao là một trong ít nhà văn đến với Cách mạng từ đầu. Năm 1948, ông được kết nạp vào Đảng. Ông tham gia hội văn hoá cứu quốc, tích cực hoạt động Cách mạng kháng chiến.
            2. Nam Cao được xem là một trong những cây bút tiêu biểu nhất trong những năm đầu của kháng chiến chống Pháp. Thời kì này ông viết được nhiều tác phẩm có giá trị như nhật kí “Ở rừng” (1948), “Chuyện biên giới” – ký sự. Đặc biệt là truyện ngắn “Đôi mắt”, xứng đáng là một tuyên ngôn nghệ thuật của tầng lớp văn nghệ sĩ, tiểu tư sản theo kháng chiến.
            3. (Phong cách) Nam Cao có biệt tài trong việc miêu tả, phân tích tâm lý con người. Ngôn ngữ của Nam Cao sống động, uyển chuyển, tinh tế, rất gần với lời ăn tiếng nói của quần chúng. Ông có ngòi bút vừa tỉnh táo, vừa sắc lạnh, vừa nặng trĩu suy tư và đằm thắm yêu thương. Văn Nam Cao vừa hết sức chân thực, vừa thấm đượm ý vị, triết lí, trữ tình.          
            Kết luận:
            - Năm 1951 trên đường về quê công tác, ông bị kẻ thù phục kích giết chết giữa khi tài năng đang độ nở rộ. Nam Cao ngã xuống trong tư thế người nghệ sĩ - chiến sĩ. Ông hoạt động văn học chỉ trên dưới mười năm nhưng đã để lại một sự nghiệp văn học lớn lao. Nam Cao được đánh giá là nhà văn đứng ở vị trí hàng đầu trong nền văn xuôi Việt Nam thế kỉ XX và xứng đáng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật - đợt I năm 1996.
            - Cuộc đời lao động nghệ thuật vì lý tưởng nhân đạo, lý tưởng Cách mạng, và sự hi sinh anh dũng của Nam Cao mãi mãi là một tấm gương cao đẹp của nhà văn - chiến sĩ.



Đăng nhận xét

 
Top