Ôn thi đại học: Phân tích bài thơ “Vội vàng” của nhà thơ Xuân Diệu
I. MỞ BÀI:
“Vội
vàng” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước cách mạng
tháng tám. Tác phẩm được rút ra từ tập “Thơ thơ” (1938). Đây là tiếng
nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt. Nhưng đằng sau những
tình cảm ấy có một quan niệm nhân sinh mới chưa từng thấy trong thơ ca truyền
thống.
II.
THÂN BÀI:
1. Thiên đường ngay trên mặt đất.
Trong
lời giới thiệu tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, Thế Lữ đã khẳng định: “Xuân Diệu
là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng
trên đất của một tấm lòng trần gian, ông không trốn tránh mà lại còn quyến luyến
cõi đời và lời nguyện ước của ông có bao nhiêu sức mạnh”:
“Ta ôm bó, cánh tay ta
làm rắn
Làm dây da quấn quýt cả mình xuân
Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần
Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất”
(Thanh
niên – Xuân Diệu)
Còn Hoài Thanh đã nhận xét: Thế Lữ xui mọi người lên tiên
nhưng Xuân Diệu lại đốt cảnh bồng lai xua mọi người về với hạ giới. Đối với
Xuân Diệu, mặt đất này là vườn trần tươi tốt, là một thiên đường trong tầm tay
với người bình thường quanh chúng ta. Này đây hoa thơm, trái ngọt của mùa xuân
tươi thắm đang chào mời chúng ta thật hấp dẫn:
“Của ong bướm này đây tuần
tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si”
Với tâm hồn khát sống, khát yêu, tận hiến, tận hưởng và
khát khao giao cảm mãnh liệt, Xuân Diệu đã khám phá ra vẻ xuân tươi phơi phới đầy
tình tứ và ngon lành ở những cảnh vật thiên nhiên quen thuộc quanh ta: cảnh ong
đưa và bướm lượn dập dìu bỗng chốc trở thành “tuần tháng mật” của tình vợ
chồng. “Hoa của đồng nội” cũng trở nên thắm sắc, ngát hương hơn. Cành
cây bình thường cũng hoá thành “cành tơ” căng tràn nhựa sống với những
chiếc lá phơ phất bay đầy tình tứ. Và tiếng hót đắm say của chim yến, chim oanh
bỗng chốc cũng hoá thành điệu tình si mê đắm lòng người. Thi sĩ như muốn nói với
chúng ta: sao người ta cứ đi tìm Bồng lai Tiên cảnh, cõi Niết bàn cực lạc ở mãi
chốn mông lung hão huyền, viễn vông nào kia. Nó ở ngay giữa cuộc sống quanh ta
đây, ngay trong giây phút hiện tại đây. Nó là cái có thực, luôn luôn diễn ra
sinh động trước mắt ta. Hàng loạt từ “này đây” vừa như liệt kê những của
ngon vật lạ phong phú, đa dạng, muôn màu muôn vẻ của trần gian, vừa như mời mọc
thiết tha, vừa tạo cho đoạn thơ một nhịp điệu thúc giục hối hả. Vậy còn chờ gì
nữa, hãy yêu mến, hãy gắn bó và sống hết mình với cuộc sống thực tại đầy tươi
vui này.
Thực ra, cái thế giới tươi đẹp đó, vườn xuân mơn mởn xanh
tươi đó đâu phải bây giờ mới có. Nhưng xưa nay, ta chưa có con mắt nhìn, chưa
chịu nhìn nên không thấy. Nhà thơ Xuân Diệu không tạo ra thế giới mới nhưng có
con mắt nhìn mới. Thi sĩ gọi đó là con mắt “xanh non”. Thoát hỏi hệ thống
ước lệ có tính chất phi cá thể của văn chương cổ điển, cặp mắt “xanh non”
của thơ Mới tiêu biểu hơn hết là Xuân Diệu ngơ ngác, vui sướng như lần đầu tiên
trông thấy trời xanh hoá lá, cái gì cũng lạ, cũng đẹp, cũng non tươi; cái gì
cũng mê, cũng say.
2. Đẹp nhất là con
người giữa tuổi trẻ và tình yêu.
Nhưng đối với Xuân Diệu, thế giới trần gian này đẹp nhất,
hấp dẫn nhất vẫn là vì có con người, đặc biệt là con người giữa tuổi trẻ và
tình yêu. Thơ ca cổ điển thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp của
con người: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Ở đây, Xuân Diệu đã
đưa ra một tiêu chuẩn khác: con người hồng hào mơn mởn xinh đẹp giữa tuổi yêu
đương là đẹp nhất. Ấy mới là chuẩn mực của mọi vẻ đẹp trên thế giới này. Con
người là thước đo thẩm mỹ của vũ trụ. Vẻ đẹp của con người trần thế là tác phẩm
kỳ diệu nhất của tạo hoá. Đó là ý nghĩa nhân bản mỹ học Xuân Diệu. Nó cũng đã
tiếp nối được truyền thống nhân đạo của nhân dân ta khi cho rằng “người ta
là hoa đất”.
Tư tưởng thẩm mĩ ấy đã giúp Xuân Diệu sáng tạo nên được
những hình ảnh mới mẻ, đẹp đẽ gây cảm xúc đặc biệt cho người đọc. Chẳng bạn,
hình ảnh “và này đây ánh sáng chớp hàng mi”, ánh sáng buổi sớm mai như
phát ra từ cặp mắt đẹp vô cùng của nàng công chúa có tên là Bình Minh. Nàng vừa
tỉnh giấc nồng suốt một đêm qua, mắt chớp chớp hàng mi rồi bừng nở ra muôn vàn
hào quang. Nhưng “Vội vàng” còn có một hình ảnh rất độc đáo và táo bạo,
rất trần gian nhưng cũng thật tuyệt mĩ, tuyệt vời, chỉ có tạo hoá – bà mẹ toàn
năng đầy phép lạ mới có thể sáng tác nên được. Đó là hình ảnh “tháng giêng
ngon như một cặp môi gần”. “Tháng giêng” thanh tân, diễm lệ, đầy ánh
sáng, màu sắc, âm thanh và hương thơm trở thành “cặp môi gần” rất “ngon”,
ngọt của người tình nhân. Thật là một hình ảnh rất gợi cảm, giàu hình tượng, rất
thanh tao, trong sáng không thoáng gợn một chút nhục cảm.
3. Hãy sống cao độ
mỗi giây phút của tuổi thanh xuân.
Nhưng tạo hoá có sinh ra con người để mãi mãi hưởng lạc
thú ở chốn địa đàng trần gian này đâu! Đời người có hạn, tuổi xuân ngắn ngủi và
thời gian trôi đi vĩnh viễn không trở lại. Thực ra, từ ngàn đời nay, văn chương
cũng đã từng than thở về sự ngắn ngủi của kiếp người. Các thi sĩ xem “cuộc đời
như ánh chớp có rồi không”. Một nhà thơ đầy bản lĩnh như Nguyễn Công Trứ mà
cũng phải thốt lên “ “Ôi! Nhân sinh là thế. Như bóng đèn. Như mây nổi. Như
gió thổi. Như chiêm bao!” Nhưng ngày xưa, các thi nhân chưa tách khỏi cộng
đồng, con người còn gắn làm một với vũ trụ cho nên chết chưa hẳn đã là chết, là
hư vô, vẫn có thể cùng cộng đồng , cùng trời đất mà tuần hoàn. Song niềm tin ấy
đâu còn nữa ở các nhà thơ Mới đã thức tỉnh được ý thức cá nhân. Vũ trụ luôn
luôn biến đồi, thời gian luôn luôn chảy trôi, có cái gì bền vững đâu, nhất là
ngày xuân, tuổi xuân:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân
đương qua
Xuân còn non nghĩa là tôi sẽ già
Mà xuân hết thì đời tôi cũng mất”
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc
gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Nhưng không thể được! Làm sao có thể cưỡng lại được quy
luật sinh sôi vĩnh hằng nghiệt ngã của vũ trụ? Vậy chỉ còn một cách thôi, hãy “mau
lên” hãy “vội vàng lên”, hãy chạy đua với thời gian và sống cao độ,
hết mình cho từng giây, từng phút tuổi trẻ của mình giữa mùa xuân cuộc đời và
vũ trụ.
Đăng nhận xét