Luyện thi THPT quốc gia môn Văn: Phân
tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh.
Gợi ý làm bài
I. Đặt vấn đề :
- Trong các nhà thơ Việt Nam hiện
đại, Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ của tình yêu. Chị viết nhiều,
viết hay về tình yêu, trong đó Sóng là một bài thơ đặc sắc.
- Trong bài thơ này, Xuân Quỳnh đã sáng
tạo được một hình tượng giàu giá trị thẩm mĩ - hình tượng sóng - để diễn tả tâm
trạng, tình cảm với nhiều sắc thái phong phú của một trái tim khao khát yêu
đương.
II. Giải quyết vấn đề :
1. Vị trí của hình tượng sóng trong
bài thơ :
- Tình yêu là một đề tài muôn thuở
của thơ ca. Như ai đó đã nói, có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách yêu
đương. Nhiều nhà thơ nổi tiếng đã viết về tình yêu với những cảm hứng mãnh
liệt, in đậm dấu ấn tâm hồn, tư tưởng và phong cách nghệ thuật của mình. Xuân
Diệu trước đây đã mượn hình tượng biển để nói về tình yêu, còn Xuân Quỳnh, chị
đã mượn hình tượng sóng để thể hiện tâm trạng, tình cảm, khát vọng tình yêu
mãnh liệt của mình (và cũng là của chung tuổi trẻ). Hình tượng sóng là một tìm
tòi nghệ thuật độc đáo đã diễn tả rất sinh động, sâu sắc và thấm thía khát vọng
tình yêu chân chính của con người.
Cùng với hình tượng sóng, bài thơ còn
có một hình tượng nữa là em - cái tôi trữ tình của nhà thơ. Sóng là hình ảnh ẩn
dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân, phân thân của cái tôi
trữ tình ấy. Có thể xem sóng và cái tôi trữ tình của nhà thư như hai “nhân vật”
trữ tình, hai nhân vật này tuy hai mà một, có lúc phân đôi ra (để soi chiếu vào
nhau, làm nổi bật sự tương đồng), có lúc lại hòa nhập vào (để tạo nên sự âm
vang, cộng hưởng).
2. Hình tượng sóng trước hết được gợi
ra từ âm hưởng dào dạt, nhịp nhàng của bài thơ.
Đó trước hết là nhịp của những con
sóng trên biển ả liên tiếp, triền miên, vô hồi vô hạn. Thể thơ năm chữ với
những câu thơ thường không ngắt nhịp đã tạo nên nhịp điệu của những con sóng
biển lúc dào dạt, sôi nổi, lúc sâu lắng dịu êm chạy suốt bài thơ. Song, âm điệu
chung của bài thơ không giản đơn chỉ là âm điệu của những con sóng biển. Nó còn
là âm điệu của một nỗi lòng đang tràn ngập, đang khao khát tình yêu vô hạn,
đang rung lên đồng điệu, hòa nhịp với sóng biển, hòa hợp đến mức không còn thấy
đâu là nhịp điệu của sóng biển, đâu là nhịp điệu tâm hồn của thi sĩ. Xuân Quỳnh
đã mượn nhịp sóng để thể hiện nhịp lòng của chính mình trong một tâm trạng bùng
cháy ngọn lửa mãnh liệt của tình yêu, không chịu yên định mà đầy biến động,
khao khát.
3. Phân tích những tâm trạng của chủ
thể trữ tình được thể hiện qua hình tượng sóng
Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã
diễn tả vừa cụ thể vừa sinh động nhiều trạng thái, tâm trạng, những cung bậc
tình cảm khác nhau trong trái tim của người phụ nữ đang rạo rực yêu đương. Mỗi
trạng thái tâm hồn cụ thể của người phụ nữ đang yêu đầu có thể tìm thấy sự
tương đồng của nó với một khía cạnh, một đặc tính nào đó của sóng.
- Tính khí của người con gái đang
yêu, cũng như sóng vậy thôi, vốn mang trong nó nhiều trạng thái đối cực : “Dữ
dội và dịu êm, Ồn ào và lặng lẽ”. Và cũng như sóng, trái tim người con gái đang
yêu không chấp nhận sự tầm thường nhỏ hẹp, luôn vươn tới cái lớn lao, đồng cảm,
đồng điệu với mình : “Sông không hiểu nổi mình, Sóng tìm ra tận bể”. Ra đến
biển cả, sóng mới có thể nhận thức sâu sắc hơn về mình, được tiếp thêm sức mạnh
và thổi bùng lên những khao khát mới.
- Sóng là trường tồn, vĩnh hằng với
thời gian, cũng như khát vọng tình yêu của nhân loại, đặc biệt là của tuổi trẻ,
là vĩnh viễn, muôn đời. Từ thời viễn cổ, con người đã đến với tình yêu và mãi
mãi vẫn cứ đến với tình yêu. Với con người, tình yêu mãi mãi là một khát vọng
bồi hồi :
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
- Tình
yêu là sóng, là gió. Và qua sóng, gió ấy, nhà thơ đã nói lên thật dễ thương cái
nhu cầu tự nhận thức, tự phân tích, lí giải, nhưng lại không thể cắt nghĩa nổi
của tình yêu. Tình yêu cũng như sóng biển, gió trời vậy thôi, nó tự nhiên, hồn
nhiên như thiên nhiên và cũng khó hiểu, nhiều bất ngờ như thiên nhiên :
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
- Tình
yêu gắn liền với nỗi nhớ. Khi đó, sóng là nỗi nhớ cồn cào, da diết của trái tim
yêu đương đang bị giày vò vì xa cách. Nỗi nhớ ấy chất đầy cả không gian (cả ở
bề sâu và bề rộng), và đằng đẵng trong thời gian :
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Dùng
hình tượng sóng để nói lên nỗi nhớ chưa đủ, chưa hết, chưa thỏa, cái tôi trữ
tinìh của nhà thơ trực tiếp cất lên tiếng nói nhớ thương đó : “Lòng em nhớ
đến anh, Cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ giày vò đã đột nhập cả vào trong
giấc mơ, tiềm thức của nhà thơ. Người yêu đối với người con gái đang rạo rực
yêu đương là tất cả ! Vắng bóng con người ấy, cuộc đời bỗng thành ra trống
trải. Những đòi hỏi, khát khao mãnh liệt của sống ở đây lại hiện ra thật giản
dị : sóng chỉ khao khát tới bờ cũng như em khao khát gặp anh. Tình yêu của
người con gái ở đây vừa tha thiết, mãnh liệt, vừa trong sáng, giản dị, vừa thủy
chung, duy nhất.
- Xuân
Quỳnh đã mượn hình tượng sóng để nói và nghĩ về tình yêu. Những ý nghĩ này có
vẻ tự do tản mạn, nhưng từ trong chiều sâu của thi tứ vẫn có sự vận động nhất
quán. Đó là cuộc hành trình khởi đầu, là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm
đến một tình yêu bao la, rộng lớn, và cuối cùng là khát vọng được sống hết mình
trong tình yêu, vĩnh viễn hóa tình yêu của mình :
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
III. Kết
thúc vấn đề
- Với
những biểu hiện vừa đa dạng, vừa nhất quán, hình tượng sóng thực sự là cái tôi
trữ tình nhập vai của Xuân Quỳnh. Sóng, khi là sự phân thân, khi lại là sự hiện
thân của chính tâm hồn tác giả.
- Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã chủ động nói lên
khát vọng tình yêu của mình và cũng là của những người phụ nữ, một cách chân
thành và táo bạo. Đó là tình yêu có nét mới mẻ nhưng vẫn có gốc rễ sâu xa trong
truyền thống của dân tộc, thể hiện ở sự thủy chung, hiến dâng trọn vẹn đến mức
quên mình của người phụ nữ.
Đăng nhận xét