Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ mang lại nhiều ý nghĩa cho đổi mới giáo dục, đổi mới dạy và học,...
Thay đổi cách dạy và học
Thưa Thứ trưởng, 2 quy chế
thi vừa ban hành đã được nhiều ý kiến tán thành cho đây là một bước đổi mới đầy
tiến bộ của ngành giáo dục, trước mắt đã đơn giản hóa được khâu tuyển sinh,
giảm tải cho thí sinh nhưng cũng có ý kiến của trường đại học cho rằng quy chế
ban hành vào cuối tháng 2 mà thí sinh đầu tháng 4 đã phải đăng ký dự thi, hơi
cập rập, ý kiến của Thứ trưởng thế nào?
Rõ ràng kỳ thi THPT quốc
gia sẽ giúp giảm áp lực thi cử rất nhiều. Thay vì tổ chức 4 kỳ thi (1 kỳ thi
THPT, 2 kỳ thi đại học và 1 kỳ thi cao đẳng) như trước đây rất nặng nề và tốn
kém, nay chỉ còn 1 kỳ thi duy nhất với 2 mục đích.
Do có sự thay đổi lớn về
tổ chức kỳ thi nên Bộ GD ĐT đã xây dựng đề án kỳ thi THPT quốc gia để đưa ra
tham khảo ý kiến xã hội từ rất sớm. Nay trên cơ sở đề án này, Bộ đã ban hành
qui chế kỳ thi THPT quốc gia và qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Những điểm mới của
kỳ thi đã được thảo luận kỹ càng trong suốt nhiều tháng qua. Các em thí sinh ít
nhiều cũng đã có đủ các thông tin cần biết.
Qui chế là văn bản qui
phạm về tổ chức kỳ thi, không ảnh hưởng gì nhiều đến cách học cũng như sự chuẩn
bị từ trước của thí sinh. Do đó thời gian còn hơn một tháng để các em nghiên
cứu thực hiện việc đăng ký dự thi không phải là cập rập. Kế hoạch học tập, chuẩn
bị cho kỳ thi của các em không có gì thay đổi nên không có gì phải băn khoăn,
lo lắng cả.
Vậy, 2 quy chế này sẽ tác
động như thế nào tới sự thay đổi đào tạo giáo dục đại học và việc dạy – học
giáo dục phổ thông?
Qui chế được điều chỉnh
theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên những
thay đổi lớn ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của thí sinh cần được thực hiện từng
bước, trải qua các giai đoạn thí điểm trước khi áp dụng đại trà.
Tự chủ của các trường được
phát huy tối đa thông qua các đề án tuyển sinh riêng, xác định các tổ hợp xét
tuyển vào các ngành... Từ những qui định này, các trường đã đưa ra nhiều tổ hợp
xét tuyển mới phù hợp hơn với các ngành đang đào tạo. Qua đó, các trường sẽ
mạnh dạn đổi mới chương trình, phù hợp với xu thế phát triển đại học hiện nay.
Đối với việc dạy và học ở
bậc phổ thông, cách xác định tổ hợp xét tuyển mới giúp thí sinh đầu tư học tập
toàn diện hơn, giảm bớt học lệch. Các trường tuyển sinh các ngành khoa học tự
nhiên cũng yêu cầu thí sinh có kiến thức về xã hội và ngược lại.
Mặt khác đề thi cũng sẽ
tiếp tục được đổi mới theo những kinh nghiệm đã đạt được trong những năm gần
đây trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Đó là đề thi
kiểu mở, chú trọng vận dụng kiến thức đã học được vào thực tiễn cuộc sống,
không bắt buộc học thuộc lòng một cách máy móc... Về lâu dài đề thi sẽ hướng
theo mục tiêu kiểm tra năng lực của thí sinh. Tuy nhiên điều này cần được tiến
hành theo lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa.
Bộ rất hoan nghênh Đại học
Quốc gia Hà Nội tiên phong thực hiện bài thi kiểm tra năng lực thí sinh ngay từ
năm nay. Đây sẽ là kinh nghiệm tốt để nhân rộng trong tương lai.
Tóm lại đổi mới thi cử nằm
trong chiến lược tổng thể đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nó
có tác động tích cực trong thay đổi cách dạy, cách học và nâng cao chất lượng
giáo dục và đào tạo ở cả bậc phổ thông lẫn bậc đại học.
Tăng tính cạnh tranh thu
hút sinh viên giữa các trường
Liệu sự ra đời của các quy
chế có tốt hơn cho giáo dục đại học, để các trường có thời gian tập trung vào
khâu yếu là đào tạo? Thứ trưởng kỳ vọng gì vào sự thay đổi thi này trong sự
nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay?
Qui chế tuyển sinh mới
không ràng buộc tất cả các trường phải tuân thủ theo cùng một phương thức tuyển
sinh như kỳ thi "ba chung" trước đây. Điều này tạo điều kiện cho các
trường đa dạng hóa nội dung chương trình đào tạo.
Luật Giáo dục đại học đã
giao cho các trường tự chủ xây dựng chương trình đào tạo, không bắt buộc phải
theo chương trình khung như trước đây. Cùng một ngành đào tạo nhưng không nhất
thiết các môn học của trường này phải giống trường kia. Do đó tùy thuộc yêu cầu
chương trình đào tạo mà nhà trường xác định yêu cầu đầu vào phù hợp. Qui chế
tuyển sinh mới giao cho các nhà trường được tự chủ xác định yêu cầu đầu vào.
Với vai trò quản lý nhà
nước, Bộ GD ĐT chỉ cung cấp dữ liệu và xác định ngưỡng chất lượng đầu vào tối
thiểu để các trường thực hiện việc tuyển sinh. Đổi mới tuyển sinh, tự chủ xây
dựng chương trình đào tạo cùng với các qui định phân tầng, xếp hạng các trường
đại học sắp tới sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh trong thu hút những sinh
viên giỏi giữa các trường từ đó làm thay đổi căn bản chất lượng đào tạo đại
học.
Đề thi sẽ được điều chỉnh
từ từ
Kỳ thi THPT quốc gia nhằm
2 mục đích, vậy đề thi năm nay ra như thế nào thưa thứ trưởng?
Về lâu dài đề thi sẽ theo
hướng kiểm tra năng lực của thí sinh phù hợp với mục tiêu đổi mới phương pháp
giảng dạy theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học. Sự thay đổi
đột ngột về đề thi và nội dung thi có thể gây hoang mang lo lắng cho thí sinh
vì các em đã định hướng việc học từ trước. Vì vậy trong những năm trước mắt đề
thi sẽ được điều chỉnh từ từ.
Những kinh nghiệm tốt
trong công tác đề thi những năm gần đây sẽ tiếp tục được phát huy. Vì kỳ thi
THPT quốc gia có 2 mục đích rõ ràng nên đề thi sẽ có phần cơ bản để xét tốt
nghiệp THPT và phần nâng cao để phân loại thí sinh phục vụ cho công tác xét
tuyển ĐH, CĐ. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu chương trình
lớp 12. Tất cả thí sinh dù thi ở cụm thi liên tỉnh hay cụm thi địa phương đều
thi chung cùng một đề thi.
Thí sinh có thể đăng ký
tới 12 nguyện vọng bổ sung
Về việc đăng ký xét tuyển
vào ĐH, CĐ chia làm nhiều đợt, nhiều thí sinh còn rất mù mờ về cách thức này
cũng như nguyện vọng 1 và nguyện vọng bổ sung, thứ trưởng có thể giải thích rõ?
Để đảm bảo quyền lợi của
thí sinh và cũng không gây quá nhiều thí sinh ảo cho các trường, qui chế qui
định trong đợt xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận
kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4
ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường.
Trong thời gian xét tuyển
nguyện vọng này, theo dõi thống kê tình hình nộp hồ sơ xét tuyển nhà trường
công bố, nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, thí sinh có quyền rút hồ sơ nộp
sang trường khác.
Sau đợt xét nguyện vọng I,
nếu không trúng tuyển thí sinh có quyền dùng ba giấy chứng nhận kết quả thi còn
lại để đăng kí xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng nhận kết quả
thi này có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một
trường. Nghĩa là khi đăng ký nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể đăng ký xét
tuyển tối đa vào ba trường khác nhau ở mỗi đợt xét tuyển.
Trước đây, ở kỳ thi “ba
chung”, thí sinh có thể đăng ký dự thi tối đa 2 khối thi ở 2 đợt thi khác nhau,
mỗi khối vào 1 ngành của 1 trường. Nếu không trúng tuyển, các em phải tham gia
xét tuyển các đợt bổ sung. Nay ở đợt đầu tiên tuy đăng ký xét tuyển vào một
trường nhưng các em có 4 nguyện vọng khác nhau với các tổ hợp xét tuyển khác
nhau.
Còn trong các đợt xét
tuyển nguyện vọng bổ sung các em có thể đăng ký đến 12 nguyện vọng vào các
ngành khác nhau. Điều này tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vào
các trường mà các em yêu thích. Kinh nghiệm cho thấy, sau đợt xét tuyển thứ
nhất, các trường đã tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu. Những đợt tuyển tiếp theo
tuy số ảo sẽ nhiều nhưng số lượng chỉ tiêu còn lại không lớn nên không gây khó
khăn nhiều cho các nhà trường.
Qui chế kỳ thi THPT quốc
gia qui định điểm liệt của từng môn để xét tốt nghiệp THPT. Vậy, điểm sàn theo
khối thi theo qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ được xác định như thế nào thưa thứ
trưởng?
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ
qui định sau khi có kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc, Bộ GD ĐT sẽ phân
tích xác định ngưỡng chất lượng đầu vào phù hợp để dựa vào đó các trường lên
phương án xét tuyển.
Ngưỡng chất lượng đầu vào
là ngưỡng tối thiểu mà các trường không được phép tuyển thí sinh có kết quả thi
thấp hơn. Đối với kỳ thi "ba chung" do số khối thi rất ít nên Bộ qui
định điểm sàn cho từng khối. Đối với kỳ thi THPT quốc gia sắp tới do tổ hợp các
môn xét tuyển rất đa dạng cách xác định ngưỡng chất lượng đầu vào sẽ khó có thể
xác định cho từng tổ hợp xét tuyển mà có thể, ví dụ xác định một ngưỡng chung
cho tất cả các tổ hợp xét tuyển dựa vào thống kê kết quả điểm sàn của gần 10
năm thực hiện kỳ thi "ba chung".
Đăng nhận xét