Kỳ thi quốc gia 2015: Thí sinh
đăng ký dự thi tại trường; cấu trúc đề thi tương tự như đề thi trong kỳ thi tốt
nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014…, đó là những thông tin mới nhất về kỳ
thi THPT quốc gia 2015
Trao đổi với
báo chí tại “Hội thảo và thực tế công tác thông tin tuyên truyền về đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” tổ chức ở Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày 10-12, ông
Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ Giáo dục
và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết về cơ bản đến nay, đại đa số trường ĐH, CĐ dùng kết
quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Học sinh
đăng ký dự thi tại trường
Theo ông Trần
Văn Nghĩa, học sinh học tại trường nào thì đăng ký tại trường đó; đối với những
thí sinh tự do thì đăng ký tại các sở GD-ĐT, sau đó sở sẽ chuyển về cụm thi.
Việc đăng ký
môn thi được thực hiện như sau. Đối với đối tượng 1, thí sinh sử dụng kết quả
thi để xét tốt nghiệp THPT đăng ký 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là văn,
toán, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong các môn lý, hóa, sinh, sử, địa; đối với
những vùng khó khăn có thể lựa chọn môn khác để thay môn ngoại ngữ. Việc miễn
thi ngoại ngữ được thực hiện theo quy định của bộ nếu thí sinh đáp ứng những chứng
chỉ cần thiết. Đối với nhóm 2 là những thí sinh vừa thi vừa để xét tốt nghiệp
CĐ, ĐH thì ngoài thi 4 môn bắt buộc sẽ đăng ký từ 1 đến 4 môn tiếp theo tùy
theo nguyện vọng các khối thi để xét tuyển.
Ông Nghĩa
cũng đặt vấn đề cho điểm 10 tối đa với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ
theo quy định nhưng nhiều ý kiến cho rằng có thể thí sinh học chứng chỉ quốc tế
tốt nhưng làm theo đề thi của Bộ GD-ĐT thì điểm lại không cao.
Theo lãnh đạo
Bộ GD-ĐT, đề thi tương tự dạng đề của năm 2014. Thời gian làm bài các môn vẫn
như cũ. Đặc biệt, hướng ra đề các môn xã hội sẽ tiếp tục đổi mới ra đề mở theo
hướng liên môn, không máy móc, bắt học sinh phải nhớ các số liệu hay trả lời
theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh để đạt 2 mục
đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Thí sinh phải
làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5 bài hoặc 6 bài thi, cá biệt nhất là 8
bài thi. Địa điểm dự thi gần hơn so với thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây vì các
cụm thi đã được mở rộng. Việc sử dụng kết quả thi vẫn giữ ổn định như năm 2014.
Việc coi thi, chấm thi, phúc khảo, chế độ ưu tiên cũng không thay đổi. Lệ phí
thi: Nếu thí sinh dùng kết quả thi để xét tuyển thì phải đóng lệ phí, một môn
35.000 đồng.
Chưa thống
nhất cụm thi
Theo lãnh đạo
Bộ GD-ĐT, có một mô hình tổ chức cụm thi và cơ chế vận hành cụm thi. Bộ GD-ĐT
giao cho các trường ĐH có uy tín và năng lực chủ trì cụm thi phối hợp với các địa
phương tổ chức coi thi, chấm thi. Việc tổ chức ở các cụm thi đều theo quy định
của quy chế và quy trình thi giống nhau. Tham gia coi thi và chấm thi là giảng
viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT.
Riêng các
vùng khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, để tạo điều kiện cho các
thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, dùng kết quả để đăng ký xét tuyển vào các trường
ĐH, CĐ, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh
do các trường ĐH chủ trì.
Theo ông Trần
Văn Nghĩa, bộ đã làm việc với những trường ĐH dự kiến giao chủ trì cụm thi liên
tỉnh (dự kiến 34 cụm thi), các sở GD-ĐT để khảo sát thực trạng về nguồn lực và
các điều kiện tổ chức cụm thi liên tỉnh tại các địa phương này. Tuy nhiên, vẫn
chưa thống nhất chính thức vì có thể bỏ cụm thi không đủ năng lực hoặc bố trí cụm
thi khác.
Hai địa
phương là TP HCM và Hà Nội sẽ có nhiều cụm thi hơn. Mỗi cụm thi có ít nhất thí
sinh của 2 tỉnh vì muốn đáp ứng yêu cầu công bằng cho tất cả thí sinh và điều
kiện khách quan là một số nơi không có trường ĐH. Việc bố trí cho học sinh đi
thi tại cụm thi bảo đảm gần hơn trước. Theo lãnh đạo Cục Khảo thí, thí sinh có
điểm thi xong mới đăng ký xét tuyển. Quan điểm của bộ là vừa bảo đảm quyền lợi
thí sinh nhưng cũng để các trường không bị ảo khi xét tuyển.
Đăng nhận xét