TopBanner

 

Khai bút đầu xuân là một trong những nét đẹp truyền thống đặc sắc từ ngàn đời nay của người Việt Nam. Cứ sau thời khắc giao thừa, khi đất trời vừa chuyển mình sang một năm mới, những trí thức (ông đồ, nhà văn, nhà thơ…) sẽ đốt lư hương trầm bên bàn viết, thảo đôi câu đối.

Xưa kia, những người có học vấn coi khai bút là việc làm bắt buộc để khởi đầu cho một năm mới. Đó là lời cầu cho năm mới bình an, mong nhận được mọi sự tốt lành. Và theo tục lệ, mọi nười cũng cho rằng: nếu viết chữ tốt lành thì cả năm sẽ suôn sẻ. Đồng thời, tránh viết những chữ, câu có nghĩa xấu và tránh trục trặc khi khai bút: gãy bút, hết mực, rách giấy…

Những chữ viết đầu tiên của năm mới phải do mình tự nghĩ, không đi sao chép bên ngoài. Do vậy, mọi người thường viết tên tuổi, nơi ở của mình hoặc tự nghĩ ra đôi câu thơ, câu đối.




Mọi người chọn ngày đẹp, giờ đẹp để viết những chữ đầu tiên cho năm mới. Đó cũng thể hiện tinh thần hiếu học của dân tộc. Thế hệ này truyền lại cho thế hệ kia để rồi, khai bút đầu xuân trở thành một nét đẹp văn hóa tự ngàn đời của người dân đất Việt.




Câu chuyện khai bút của người trẻ
Những cái Tết vắng dần hình ảnh ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ, nhưng tục khai bút đầu xuân vẫn còn được giữ gìn. Dù không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng ý nghĩa và sự thiêng liêng trong tục lệ vẫn còn rất ý nghĩa.

Có bạn vẫn viết lên giấy rồi treo hoặc kẹp vào cuốn sách. Tuy nhiên, ngày nay rất nhiều bạn trẻ chọn Facebook, blog để khai bút dòng đầu tiên cho một năm.

Mai Phương, học sinh lốp 12 trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội chia sẻ: “Đã 2 năm rồi, sáng sớm ngày mồng 1 mình luôn viết note trên facebook và coi đó là việc khai bút đầu xuân. Dù không làm theo cách truyền thống nhưng với mình đó cũng là sự khởi đầu cho năm mới. Những lời nhắn gửi đến người thân, bạn bè, những lời chúc… Và mình gọi đó là note yêu thương”.

Những cái Tết xa nhà đã trở nên quen thuộc với Hồng Phương, cô bạn đang học tập tại Canada. 3 năm ăn Tết xa quê, cũng là 3 năm cô bạn luôn khai bút đầu năm bằng những lá thư gửi về nhà: “Bây giờ hiện đại, có thể gọi điện, chat nhưng mình vẫn giữ thói quen viết một lá thư về cho người thân vào ngày đầu năm. Đó là những chữ đầu tiên mình viết trong năm, và đó cũng là những lời yêu thương gửi về nhà”.

Dù khác nhau về cách thức nhưng tất cả đều là những dòng có ý nghĩa tốt đẹp và là lời ước cho một năm thuận lợi với nhiều điều may mắn.

Bùi Anh Duy, du học sinh Việt Nam tại Anh chia sẻ: “Dù không được đón Tết ở nhà nhưng đã 2 năm nay mình đều căn đúng thời khắc giao thừa ở nhà. Nhắn tin về cho gia đình rồi sau đó sẽ ngồi vào bàn học, viết ra một vài dự định cho năm mới. Mình coi đó là khai bút đầu năm đồng thời cũng là đưa ra mục tiêu phấn đấu trong năm tới cho bản thân.”

Khai bút đầu năm mang đến niềm hứng khởi và niềm tin cho một năm mới. Với các bạn học sinh, sinh viên đó còn giống như lá bùa tinh thần cho họ sức mạnh để vượt qua những kì thi trước mắt. Và cũng là lời tự nhắc nhở bản thân về công việc trong năm tới.

Dành một đôi phút, chọn một góc thoải mái và tự viết những dòng đầu tiên cho một năm mới. Đó không chỉ là duy trì nét đẹp văn hóa của dân tộc mà còn là sự khởi đầu bình an và may mắn.

Đăng nhận xét

 
Top