Tục khai bút đầu xuân đã xuất hiện từ ngàn đời này với ý nghĩa đề cao truyền thống hiếu học của dân tộc.
Tục khai bút
hay còn được gọi là tục chắp bút đầu năm thường được các học sỹ, học giả xưa thực
hiện nhân dịp đầu năm mới. Sau giao thừa, mỗi người thường tự chọn cho mình một
thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp nhất để làm lễ khai bút.
Tuy chỉ là
tượng trưng nhưng người xưa rất coi trọng tục lệ này. Để có thể khai bút, ngày
xưa người ta thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ
bút viết trên giấy hoa tiên (giấy có in hoa) hoặc giấy hồng điều (giấy đỏ).
Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại...
Mỗi người
cũng lựa chọn những điều riêng để viết trong lúc khai bút. Có người thường chỉ
viết ngày tháng năm và câu: “Khai bút đại cát”, “Tân xuân đại cát”. Đối với những
danh sĩ thì đôi khi khai bút bằng cách làm một bài thơ đầu xuân để bày tỏ nguyện
vọng hoặc ý chí của mình rồi dán bài thơ lên tường để thưởng xuân.
Khai bút đầu xuân có
ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới được hạ xuống
cũng là tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới.
Và hơn hết, gửi gắm trong những nét chữ đầu xuân là ước nguyện của người cầm
bút về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới.
Tục khai bút
ngày nay tuy không còn phổ biến và cầu kỳ như ngày xưa nhưng vẫn được nhiều người
coi trọng. Đặc biệt là những gia đình có truyền thống hiếu học.
Để duy trì
và phát triển mỹ tục này, đầu năm, ở các văn miếu, đền, đình... các nhà nho thường
tổ chức lễ khai bút và cho chữ đầu năm.
Hy vọng
phong tục đẹp này sẽ tiếp tục được các gia đình coi trọng, duy trì nhằm cổ vũ
tinh thần học tập cho con em mình./.
Đăng nhận xét