1. Thế nào là nghị luận về một tư tưởng,
đạo lý?
Nghị luận về một tư tưởng đạo lý là
bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống… của con người.
Đây là kiểu bài chúng ta thường hay gặp trong đời sống hàng ngày, trên báo chí
và các phương tiện thông tin đại chúng. Yêu cầu nội dung của kiểu bài này là phải
làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng, đạo lý bằng cách giải thích, chứng minh, so
sánh, đối chiếu, phân tích, bình luận… để chỉ ra chỗ đúng (hay chỗ sai) của một
tư tưởng nào đó, nhằm khẳng định tư tưởng của người viết. Về hình thức, hai viết
phải có bố cục ba phần; có luận điểm đúng đắn, sáng tỏ, lời văn chính xác, sinh
động.
2. Cách làm một bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lý.
Quy trình làm một bài văn về tư tưởng, đạo lý
thường trải qua mấy bước cơ bản sau đây:
Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý
Nội dung cơ bản của đề này là gì?
Bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lý thường bàn về các vấn đề như: Quan niệm
về cuộc sống, lý tưởng sống, thái độ sống, những đức tính, phẩm chất… quan trọng,
cơ bản của con người. Quan niệm về tốt - xấu, thiện – ác, chính nghĩa – gian
tà. Các quan hệ xã hội như tình cảm gia đình, tình đồng loại, tình yêu… Các
hành động hoặc các cách ứng xử như tích cực – tiêu cực, có văn hóa – vô văn
hóa.
Vậy thì ở đề bài cụ thể này, vấn đề
cơ bản đặt ra là gì (xem những dàn ý, bài làm cụ thể dưới đây).
- Tìm hiểu xem đề này có mấy ý? Muốn
biết có mấy ý, mấy luận điểm cơ bản cần giải quyết, chúng ta phải phân tích ngữ
pháp câu nói, câu danh ngôn trong đề. Thông thường một nhận định, một thông
báo, một vị ngữ là một ý. Ví dụ câu nói của Lép-Tôn-Xtôi “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không
có phương hướng thì không có cuộc sống”. Về cơ bản, câu nói này có hai ý
chính:
1. Lý tưởng là
ngọn đèn soi đường
2.
Không có lý tường thì không có cuộc sống
Ở phần
này, nhiều khi chúng ta phải giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng của câu nói (nhất
là những đề có câu nói được dùng phép tu từ ẩn dụ, so sánh, hoán dụ). Ví dụ anh
chị hãy suy nghĩ về đạo lý “Uống nước nhớ
nguồn”. Trước hết chúng ta phải giải thích qua, ngắn gọn nghĩa đen “nước”: một loại vật thể lỏng rất cần thiết
cho đời sống sinh vật và con người: “lạy
trời mưa xuống, lấy nước tôi uống” (ca dao); “Uống ngụm nước suối trong đỡ khát. Trông trời cao mà mát tâm can”
(Thơ Tố Hữu); “nguồn” là nơi bắt nguồn
của mọi dòng chảy, của suối, của sông. Từ đó, ta suy ra nghĩa bóng của câu tục
ngữ này: Mỗi khi chúng ta uống nước nghĩa là được hưởng thành quả về vật chất
và tinh thần thì phải nhớ đến “nguồn”
nhớ đến công ơn tổ tiên, cha mẹ, những người đi trước đã có công sức tạo dựng
cho mình.
- Xác định ý nào là trọng tâm và mối quan hệ giữa các ý
như thế nào? Công việc này sẽ giúp cho người làm bài xây dựng cho bài làm của
mình một bố cục hợp lý: sắp xếp ý nào trước, ý nào sau, ý nào là cơ bản, là trọng
tâm sẽ dành cho nó một dung lượng kiến thức, nội dung nhiều hơn, phong phú hơn.
Bước 2: Lập dàn ý
Dựa trên
cơ sở tìm hiểu đề, tìm ý, xác định ý chính, ý phụ, ý trọng tâm, bây giờ đến bước
này, chúng ta nên lập một cái dàn ý (Có thể chỉ sơ lược) để có một cái sườn
chính của bài, sau đó tiến hành viết bài như người kỹ sư xây dựng, khi đã có một
sơ đồ, bản vẽ, thì sẽ bắt tay vào “thi
công”, “xây dựng” công trình,
ngôi nhà.
Bước 3: Viết bài
A. Mở
bài: Phần mở bài, hay còn gọi là phần “đặt vấn đề”.
Phần này như tên gọi của nó: “Đặt vấn đề” đã gợi ra chức năng chính là
phải nêu cho được vấn đề, đặt cho được vấn đề mà người làm bài sẽ tiến hành giải
quyết trong một đề bài cụ thể. Phần này có một ý nghĩa rất quan trọng, vì nó sẽ
gây ấn tượng tốt hay xấu đầu tiên cho người chấm, người đọc. Tuy nhiên đây là một
công việc khá khó khăn. Nhìn chung, có hai cách mở bài cơ bản. Đó là cách mở
bài trực tiếp và cách mở bài gián tiếp. Mở bài trực tiếp là đi thẳng vào vấn đề
mà ta cần bàn, còn mở bài gián tiếp là xuất phát từ một câu thơ, câu văn, câu
danh ngôn nào đó, hoặc đi từ thực tế đời sống rồi dẫn đến vấn đề mà ta cần phải
giải quyết trong bài làm. Mở bài trực tiếp thì thường nhanh hơn, dễ làm hơn,
nhưng mở bài gián tiếp thường hấp dẫn và hay hơn.
B. Thân
bài: hay còn gọi là phần “Giải quyết vấn đề”
Ở phần
này, trước hết chúng ta phải xác định phạm vi kiến thức, tư liệu cần sử dụng:
Đây là kiểu bài nghị luận xã hội, nên lý lẽ, dẫn chứng chủ yếu lấy từ vốn sống,
kiến thức đời sống thực tế của người viết. Nhưng để cho bài làm sinh động, tươi
tắn hơn có thể sử dụng kiến thức, dẫn chứng bằng thơ văn, nhưng rất hạn chế, bởi
nếu quá nhiều thì sẽ lạc sang kiểu bài nghị luận văn học. Vả chăng, có sử dụng
kiến thức văn thơ, thì cũng chỉ nhằm sáng tỏ một khía cạnh nào đó của tư tưởng,
đạo lý.
- Tiếp
theo chúng ta lần lượt giải quyết các vấn đề, các khía cạnh của đề bài, tức là
hình thành các luận điểm, luận cứ, luận chứng… và giải quyết dứt điểm từng luận
điểm, luận cứ đó bằng lý lẽ và dẫn chứng thực tế, bằng các thao tác lập luận,
thao tác nghị luận như phân tích, giải thích, bình luận, chứng minh. Nhìn chung
một bài văn nghị luận là một văn bản, chủ yếu vận dụng tư duy lôgíc nhằm giải
quyết vấn đề một cách thấu đáo, triệt để, toàn diện để nhằm thuyết phục lý trí
người đọc, nên người viết hay sử dụng tổng hợp các thao tác nghị luận: Phân
tích, giải thích, bình luận, chứng minh. Thao tác phân tích thì chia luận đề
thành các luận điểm; chia luận điểm thành các luận cứ… để lần lượt đi sâu giải
quyết từng luận điểm, luận cứ đó. Còn đối với thao tác giải thích, người viết
thường phải đặt ra và trả lời các câu hỏi: “Thế
nào”, “ Tại sao”? Lý do của vấn đề là
ở chỗ nào? “Kết quả sẽ ra sao”… Đối với thao tác bình luận, chúng ta phải đặt
ra và trả lời các câu hỏi: “Vấn đề đúng ở
chỗ nào” “Sai ở chỗ nào?” nghĩa là, chúng ta phải lật đi, lật lại vấn đề. Vấn
đề chúng ta đang bàn có ý nghĩa như thế nào, kết quả và hậu quả của nó ra sao,
nghĩa là chúng ta phải mở rộng, bàn sâu hơn vấn đề tư tưởng đạo lý… Đối với
thao tác chứng minh, người viết phải đặt ra và trả lời các câu hỏi “Ở đâu” “bao giờ” “người thật, việc thật
nào?”
Cần chú
ý chứng minh là dùng các dẫn chứng thực tế đời sống xã hội, lịch sử để làm sáng
tỏ vấn đề nhằm thuyết phục người đọc về tính đúng đắn, chân thực có tính chất
phổ biến của vấn đề, nên các dẫn chứng cần phải phong phú, đầy đủ, toàn diện,
tiêu biểu, cụ thể, chính xác… Và tất cả phải được trình bày theo một thứ tự hợp
lý, hợp lôgíc.
Kết luận: hay còn gọi là
“kết bài”; “kết thúc vấn đề”.
Chức năng của phần này là “kết” và “luận”. Kết là
thâu tóm lại vấn đề cơ bản mà ta đã trình bày ở trên phần thân bài. Còn “luận” là nâng cao và mở rộng vấn đề thêm
một bậc nữa. Cũng có khi người viết nêu lên một cảm nghĩ, một liên hệ nào đó thật
có ý nghĩa đối với bản thân.
Bước 4: Kiểm tra và sửa chữa, hoàn thiện
bài làm của mình.
Sau khi
viết xong bài, để cho bài làm hoàn chỉnh, trọn vẹn hơn, người làm bài, cần dành
một ít thời gian mấy phút để đọc soát lại, sửa chữa những lỗi về liên kết, ngữ
pháp, câu, từ ngữ, chính tả.
Đăng nhận xét