Chiều 9/9, Bộ trưởng
Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chính thức ban hành Quyết định số 3538 Phê duyệt Phương
án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015. Theo đó, kì thi THPT
quốc gia hằng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi được tổ
chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12/6
Quyết định này
đã đưa rõ về phương thức tổ chức kì thi THPT quốc gia. Cụ thể, về môn thi: Để được
xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng,
thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là
Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học,
Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Ngoài 4 môn thi
tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn
để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Thí sinh đã tốt
nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học,
cao đẳng.
Thí sinh không học
môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn
thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại
ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố sẽ được miễn thi tốt
nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.
Về đề thi: Các
môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; Các
môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90
phút. Đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận
dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
Về tổ chức thi:
Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi
và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ
năng lực.
Xét công nhận tốt
nghiệp THPT: Các sở GD-ĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm
trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt
nghiệp THPT.
Về công tác tuyển
sinh đại học, cao đẳng: Trước ngày 1/1 hàng năm, các đại học, học viện, trường
đại học, cao đẳng (gọi chung là trường ĐH, CĐ) công bố mức độ và cách thức sử dụng
kết quả của kì thi để tuyển sinh.
Căn cứ kết quả
thi, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường
ĐH, CĐ sử dụng kết quả kì thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định
của quy chế. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của
mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.
Các trường ĐH,
CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai Đề
án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế. Tại các địa phương không có cụm
thi do trường đại học chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh
tham dự kì thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với
Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì.
Các sở GD-ĐT, Cục
Nhà trường (Bộ Quốc phòng) tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi vào trung tuần
tháng 3; nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý thi và chuyển dữ liệu về Bộ GD-ĐT
vào giữa tháng 4 hàng năm.
Chính tưức chốt
phương án kỳ thi THPT quốc gia 2015
Chiều nay, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo để công
bố Quyết định này cũng như giải đáp các vấn đề liên quan đến kì thi THPT quốc
gia.
Tại buổi họp
báo, Bộ GD-ĐT cho biết: Sau khi Dự thảo Phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia
được công bố ngày 29/7/2014, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã
triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi cho đến hết ngày 22/8/2014 trên các đối
tượng: Giám đốc một số sở GD-ĐT và Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Các trường ĐH,
CĐ; Cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường THPT, Trung tâm GDTX trong cả
nước.
Đa số ý kiến nhất
trí phương án thi theo môn (Phương án 1) vì phương án này đảm bảo tính liên tục
của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên, học sinh và
các trường phổ thông; kết quả thi đủ độ tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp, đồng
thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển chọn được những
thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành đào tạo. Phương án thi theo bài là mục
tiêu cần hướng đấn nhưng không nên áp dụng ngay trong năm 2015 vì chưa đảm bảo
sự tương thích giữa dạy, học và thi mà cần phải có lộ trình thực hiện, có thời
gian chuẩn bị kỹ lưỡng.
Hầu hết các ý kiến
đều thống nhất đề nghị áp dụng quy trình coi thi, chấm thi của kì thi quốc gia
giống như kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2014; tổ chức thành các cụm
thi quốc gia, đặt tại các trường ĐH, CĐ và các trường THPT trên địa bàn quận,
huyện, thị xã, thị trấn; Hiệu trưởng trường ĐH làm Chủ tịch Hội đồng coi thi,
chấm thi; huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ và cán bộ, giáo
viên ở các Sở GD-ĐT tham gia coi thi và chấm thi.
Một số ý kiến đề
nghị Ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn vì đối tượng thí sinh là học viên GDTX
không được học Ngoại ngữ và điều kiện dạy học Ngoại ngữ ở các vùng miền rất
khác nhau nên khó công bằng trong đánh giá. Bên cạnh đó, nếu ngoại ngữ là môn
thi bắt buộc thì chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường
có ngành học tương ứng với khối D trước đây dẫn đến không công bằng giữa các đối
tượng dự thi.
Một số ý kiến
cho rằng nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT, chỉ xét công nhận tốt nghiệp bằng bài
kiểm tra chất lượng cuối lớp 12 do Sở GD-ĐT, chỉ đạo; Duy trì kì thi tuyển sinh
ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung”, vì cách thức tổ chức thi tuyển sinh ĐH,CĐ vừa
qua nghiêm túc, kết quả đáng tin cậy, các trường có mặt bằng chung để xét tuyển.
Một số chuyên
gia có ý kiến phân tích, phản biện về việc tổ chức kì thi; đồng thời dự báo những
rủi ro, lường trước những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra khi tổ chức kì thi.
Thứ trưởng Bộ
GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Phương án đưa ra là khả thi nhất trong giai đoạn hiện
nay.
Sau khi nghe Quyết
định, phóng viên báo chí bắt đầu đặt câu hỏi xung quanh đến kì thi THPT quốc
gia.
Các vấn đề được
các phóng viên đặt ra: Đề thi sẽ được phân loại như thế nào để xét tốt nghiệp
và xét vào ĐH? Việc miễn môn thi Ngoại ngữ ở kì thi tốt nghiệp đối với những
thí sinh có Chứng chỉ Ngoại ngữ là như thế nào?
Ông Trần Văn
Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giải thích những vấn
đề liên quan đến đề thi, cấu trúc đề thi ở kì thi THPT quốc gia.
Để thực hiện mục
đích vừa xét tốt nghiệp phổ thông, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường
CĐ, ĐH tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức kì thi với đề thi theo định dạng của đề thi
tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng,
các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời
theo khuôn mẫu có sẵn. Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều
trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông.
Việc miễn thi
Ngoại ngữ: Bộ sẽ ra quy định cụ thể về danh sách các chứng chỉ được miễn. Quan
điểm là công nhận đối với các chứng chỉ quốc tế, không phải chứng chỉ nào cũng
được.
Ông Mai Văn
Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết thêm: Kì thi
THPT quốc gia sẽ được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu điểm,
thành công của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đặc biệt,
những ưu điểm của kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trước đây sẽ
được áp dụng để tổ chức các cụm thi trong kì thi THPT quốc gia do các trường ĐH
chủ trì.
Thứ trưởng Bùi
Văn Ga trả lời thêm: Sau khi có quyết định của Bộ trưởng về Đề án tuyển sinh mới,
Bộ sẽ đưa vào Quy chế thi tuyển sinh mới là Quy chế mới sẽ không xáo trộn nhiều
và gây hoang mang cho học sinh. Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh
thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương
trình phổ thông. Vì vậy, các em thí sinh yên tâm học tập, không có gì phải
hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của kì thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng,
thuận lợi, tạo cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.
Liên quan đến
nhiều trường tuyển sinh riêng, thì kì thi quốc gia thay đổi như thế nào? Mục
đích của kì thi này là đảm bảo độ tin cậy, công bằng cho kì thi. Kết quả thi sẽ
bố trí tổ chức coi thi theo các cụm thi tập trung ở các trường ĐH, CĐ và các trường
THPT tại các tỉnh/thành phố, thị xã, thị trấn; bố trí các cụm chấm thi theo
vùng, miền.
Các đại học tinh
hoa sẽ tổ chức kì thi khác để lựa chọn thí sinh đủ năng lực phù hợp để tuyển
sinh. Đó là quyết định của từng trường để lựa chọn tuyển sinh.
Bộ không khống
chế các trường tuyển sinh riêng. Kì thi này đủ tin cậy để đảm bảo mục tiêu tuyển
sinh riêng của các trường.
Các phóng viên
tiếp tục đặt câu hỏi.
- Phóng viên báo
Dân trí: Việc tổ chức thi theo cụm được hình thành như thế nào? Nguyên tắc hình
thành thi theo cụm như thế nào? Cụm thi quá tải sẽ như thế nào? Cự ly các cụm
thi như thế nào để thuận tiện cho thí sinh?
Thứ trưởng Bộ
GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi không tách riêng phân dành cho xét tốt nghiệp
THPT và xét vào ĐH, CĐ. Chỉ có một đề thi và có câu hỏi nâng cao để đủ phân loại
thí sinh làm cơ sở căn cứ vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Thứ trưởng Bùi
Văn Ga: Bộ GD-ĐT sẽ sửa lại quy chế để có pháp lý thực hiện việc tổ chức kì thi
THPT quốc gia. Khác với trước đây là thí sinh đăng ký NV trước thì ở kì thi
THPT quốc gia thí sinh dùng kết quả để đăng ký vào các trường trên cơ sở yêu cầu
của các trường. Nghĩa là đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả thi. Việc đăng
ký là tùy thuộc vào nguyện vọng của thí sinh với yêu cầu của cơ sở đào tạo. Bố
trí cụm thi: Bộ GD-ĐT sẽ tính toán trên các cở sở 4 cụm thi vừa qua. Bố trí cụm
thi có khoảng 30.000 - 40.000 thí sinh trở lại, không sợ quá tải.
Đăng nhận xét