Luyện thi đại học môn Văn: Bài làm tham khảo: Suy nghĩ về công cha nghĩa mẹ và việc đền ơn đáp nghĩa các liệt sĩ.
Mở bài
Trong bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu đã mượn lời người ở lại để nhắc nhở chính mình
và cũng là nhắc nhở mọi người hãy nhớ lấy đạo lý uống nước nhớ nguồn, ân tình
chung thủy vốn là đạo lý lớn nhất, đẹp nhất của dân tộc Việt Nam:
“Mình về, mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”
Thân
bài:
1.Công
ơn đối với cha mẹ
Ca dao xưa đã dạy: “Một lòng thờ mẹ kính cha,cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Làm con
phải có đạo hiếu. Đạo hiếu đó trước hết phải nghĩ đến công ơn của bố mẹ; mà nói
về công ơn của bố mẹ đối với mỗi chúng ta, thì không bút mực nào kể cho xiết.
Chả thế mà cha ông ta xưa đã ví “Công cha
như núi Thái Sơn;Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Chỉ có núi Thái
Sơn vĩnh hằng và kì vĩ mới có thể sánh được với công cha; chỉ có nước trong nguồn
chảy bất tận, không bao giờ khô cạn, mới có thể sánh được với nghĩa mẹ không
cùng. Bởi vì mẹ ta đã sinh ra ta, cho ta sự sống. Cái công ấy, chỉ có Chúa mới
sánh được. Mẹ đã mang nặng, đẻ đau để cho ta được cất tiếng khóc chào đời, trở
thành bông hoa của trái đất. Từ thuở ấu thơ, trong vành nôi, ta đã được mẹ ấp
iu, nâng giấc, cho ta những dòng sữa ngọt ngào cả thể chất lẫn tâm hồn:
“Mẹ ra cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác,hát nuôi phần hồn”
(Nguyễn Duy)
Mẹ ta chẳng quản một nắng hai sương, tần
tảo như “Con cò lặn lội bờ sông”, chịu
bao gian nan vất vả chăm sóc ta khi trái gió trở trời và dành dụm chắt chiu
nuôi ta khôn lớn, cho ta ăn học nên người. Nghĩ về mẹ, lúc ở xa, Nguyễn Duy viết:
“Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta vạt ướt mẹ nằm đêm mưa”
Đọc những câu thơ như thế, tôi cứ thấy
cay cay nơi sống mũi. Gia cảnh đói nghèo, vách đất, tranh thưa, đêm mưa nhà dột,
mẹ dành tất cả chỗ ướt cho mình và dành chỗ khô cho con. Ôi! Thật cảm động đến
rơi nước mắt.
Còn cha ta, cũng như mẹ, cho ta tình
thương yêu và dạy ta điều hay, điều phải, uốn nắn cho ta, khơi dậy trong ta những
ước mơ, khát vọng cao đẹp để ta bước thẳng hai chân kiêu hãnh làm người. Đúng
là công ơn cha mẹ, tổ tiên bao la như núi rừng, mênh mông như biển cả.
2.Công
ơn của các bậc tiền bối, liệt sĩ
Còn công lao của các bậc tiền bối, liệt
sĩ thì sao? Ở nước ta, con đường đến với bến bờ độc lập, tự do của dân tộc
không phải là con đường rợp bóng mát hạnh phúc và niềm vui, mà là con đường đầy
gian khổ hi sinh:
“Đâu phải đường xanh, đường qua máu chảy
Năm mươi năm, máu đỏ thành hoa
Cuộc sinh nở nào mà đau đớn vậy
Rất tự hào mà xót tận trong da”
(Tố Hữu)
Đúng là phải bao máu thấm trong lòng đất,
mới “ánh hồng lên sắc tự hào”. Để có
được lá cờ đỏ sao vàng tuy bay suốt từ Bắc chí Nam trong ngày hội 19- 8- 1945;
để có được lá cờ đỏ chiến thắng kiêu hãnh bay trên nóc hầm Đờ Cát ở Điện Biên
và để có được ngày 30- 4 lịch sử, thành phố Hồ Chí Minh “ngập tràn nắng đẹp” và “lộng
lẫy cờ hoa”, đã có biết bao chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ bộ đội, những người
cộng sản đã phải đổ máu, rơi đầu trong các nhà tù, trên các máy chém, ngoài bãi
bắn, trên các trận địa nóng bỏng đạn bom. Đúng là “Mỗi thây rơi là một nhịp cầu; cho ta bước tới cõi đời cao rộng”. Công
ơn của tổ tiên, của các liệt sĩ thật là lớn lao, ân nghĩa của các bậc tiền bối
thật là vô hạn.
3.Chúng
ta phải làm gì để đền đáp công ơn của bố mẹ, các liệt sĩ? Phải đền ơn, đáp
nghĩa như thế nào?
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Đã là con chim thì con chim phải biết
hót.Đã là chiếc lá phải xanh;lẽ nào vay mà không có trả?” Được trưởng thành
lớn khôn, ngày ngày cắp sách đến trường, lên giảng đường như hôm nay, chúng ta
đã “vay”, đã mắc nợ quá nhiều: nợ cha
mẹ, tổ tiên, các vong hồn liệt sĩ, nợ quê hương đất nước…Có lẽ nào, chúng ta “có vay mà không có trả”, nhắm mắt ăn “quỵt” một cách đớn hèn và tủi hổ ư?
Chúng ta kiên quyết phải trả, trả bằng mọi cách, trả dưới mọi hình thức. Trước
hết, nỗ lực hết mình, ra sức học tập, tu dưỡng để trở thành trò ngoan, người
con hiếu thảo, người cán bộ, chiến sĩ có danh thơm đáng tự hào sau này. Bởi vì:
“Ai mà phụ nghĩa, quên công
Thì đeo trăm cánh hoa hồng,chẳng thơm”
(Ca dao)
Và chúng ta phải:
“Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
(Ca dao)
Sau nữa, sẽ tích cực làm những việc nhỏ
mà nghĩa lớn, trong khả năng của mình như tiết kiệm tiền để giúp đỡ người
nghèo, hiến máu nhân đạo, cứu người, tích cực xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
Đăng nhận xét