TopBanner

 

Nằm tại khu vực có đời sống dân cư thấp, đóng góp của người dân để đầu tư cho con em học hành cũng rất hạn chế, nhưng lớp 12D của trường THPT Thanh Chương ở xã Phong Thịnh (huyện Thanh Chương, Nghệ An) có đến 3 em đã miệt mài luyện thi đại học và xuất sắc dành ngôi thủ khoa trong kỳ thi đại học vừa qua.
Đó là các em Dương Lê Toàn (28,5 điểm), thủ khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội; Hồng Thị Hương (26,5 điểm), thủ khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Hữu Sơn (24,75 điểm), thủ khoa Toán trường Đại học Vinh. Ngoài ra còn có em Trang Thị Giang đậu á khoa Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
 
Một lớp có tới ba thủ khoa và một á khoa Đại Học
Thí sinh dự thi đại học: Ảnh minh họa
Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh của trường Trung học phổ thông Thanh Chương 3 được xếp loại học lực giỏi tăng dần theo từng năm, tăng từ 3,8% năm học 2009-2010 lên 20% năm học 2013-2014.

Không những thế, trường còn khẳng định chất lượng qua kiểm nghiệm của các kỳ thi tốt nghiệp, xếp loại giỏi thứ 5/92 trường trung học phổ thông trong toàn tỉnh; kết quả học sinh giỏi đứng vào top 10/92 trường.

Ở kết quả kỳ thi đại học năm 2012-2013, nhà trường vươn lên 234 bậc của cả nước và có một thủ khoa vào Đại học Dược Hà Nội.

Theo thống kê chưa đầy đủ, lớp 12D đến thời điểm này đã có 40/48 học sinh đậu vào các trường đại học trên cả nước. Điều đáng nói, những em đậu đại học và đạt điểm cao đều xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đều làm nông nghiệp.

Do giáo dục toàn diện nên nhà trường vẫn duy trì được khối C. Hiện nay, nhà trường vẫn duy trì được 2 lớp C trong mỗi khối lớp. Kỳ thi đại học mới đây, lớp 12C có trên 50% học sinh thi khối C đạt điểm cao vào các trường đại học. Trong đó em Nguyễn Thị Tuyết lớp 12D đạt điểm 10 môn Anh văn vào trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội

Để có được những “kỳ tích” ấy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã bố trí giáo viên, chọn những giáo viên tốt nhất, tâm huyết nhất để dạy và ôn thi đại học cho các lớp mũi nhọn. Nhà trường đã có một số chính sách ưu đãi dành cho các em đạt thành tích cao trong học tập, có đóng góp cho nhà trường như miễn nộp tiền trông giữ xe đạp, hưởng các học bổng nhà trường tìm kiếm được như Ovalet, Samsung, cựu học sinh…

Song song đó, nhà trường cũng tạo ra cơ chế động viên khích lệ cho đội ngũ giáo viên có học sinh có điểm thi đậu đại học cao như khối thi khoa học tự nhiên có điểm lớn hơn hoặc bằng 8,5 điểm/môn thì giáo viên được thưởng 200.000 đồng, khối khoa học xã hội có điểm lớn hơn hoặc bằng 8 điểm/môn thì giáo viên được thưởng 200.000 đồng; thưởng cho giáo viên chủ nhiệm lớp làm tốt công tác định hướng trong việc hướng nghiệp, chọn trường cho học sinh với tỷ lệ học sinh đậu đại học 90%/lớp, giáo viên sẽ được thưởng 500.000 đồng.

Nhà trường đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện giữa trò với trò, giữa trò với thầy không còn khoảng cách. Một điểm thuận lợi, ở ngôi trường này là học trò ngoan ngoãn, có nề nếp, có ý thức và lòng tự trọng. Bởi thế, đã yêu trò, các thầy cô giáo nơi đây lại càng quý, càng thương trò mình hơn.

Học trò ở đây quá nghèo, lại cách thị trấn hàng chục cây số, bởi vậy công nghệ thông tin cũng rất hạn chế. Mỗi khi có trường đại học nào thông báo kết quả điểm thi đại học, các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lại vào mạng, tra cứu điểm thi rồi thông báo cho các trò của mình.


“Đối với mỗi thầy cô giáo, mong muốn học trò mình gặt hái nhiều thành công không biết bao nhiêu là đủ. Khi biết kết quả thi trong lớp mình chủ nhiệm có tới 3 thủ khoa, một á khoa và hàng chục trò khác đậu đại học, tôi mừng đến phát khóc. Thành quả của các em cũng chính là món quà tinh thần quý giá động viên, khích lệ chúng tôi mãi gắn bó với nghề giáo dục trồng người này,” cô giáo Phan Thị Lý, chủ nhiệm lớp 12D chia sẻ cảm xúc.
Theo dantri.com.vn

Đăng nhận xét

 
Top