TopBanner

 

Đừng ôm đồm quá nhiều tài liệu và luôn luôn bám sát SGK đó là nguyên tắc bất di bất dịch khi luyện thi đại học môn Lịch sử.

Những kinh nghiệm dưới đây được chia sẻ bởi PGS.TS Vũ Quang Hiển, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Đảng, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), thầy đã có nhiều năm luyện thi đại học, ra đề thi đại học, chấm thi trong các kỳ thi tuyển sinh.

Ôn thi đại học môn Sử: Nên sử dụng sơ đồ hình cây


Cải tiến phương pháp học tập: Học sinh (HS) nên bám sát SGK phổ thông, không nên đọc quá nhiều tài liệu.

Để luyện thi đại học tốt, HS nên học theo trình tự chặt chẽ từ chương, bài, mục trong SGK; không phải quên gì học đó. Tóm tắt lại những nội dung cơ bản đã học và tự mình viết ra. Mắt đọc qua không thể hiểu kiến thức mà phải tư duy và thể hiện ra, trả lại kết quả cho mình.

Thi đại học ít khi hỏi vụn vặt, quá chi tiết, do đó, không nên thuộc theo kiểu học vẹt, học quá chi tiết mà phải chọn lọc kiến thức, nắm các sự kiện và mô tả, đánh giá, nhận xét được. Sử dụng các câu hỏi trong sách và tự mình trả lời, sau đó so sánh với đáp án. Tuyệt đối không nhìn chép. Nếu còn nhiều thiếu sót, phải bổ khuyết và tự kiểm tra đánh giá lại.

Trong quá trình học và ôn thi đại học, chắc chắn sẽ có nhiều điều không hiểu, vì thế, HS phải hỏi ngay thầy cô, những người xung quanh có hiểu biết. Ví dụ: thế nào là phản công, tiến công, nổi dậy, lực lượng vũ trang nhân dân, bộ đội chủ lực... các khái niệm này, HS có thể học nhưng nhiều khi không hiểu.

Một số bài có mối quan hệ giữa các sự kiện, khi luyện thi đại học cần sơ đồ hóa các yếu tố đó bằng cách sử dụng: sơ đồ hình cây (càng lên cao càng nhiều cành); hình chuỗi (quan hệ nhân quả); hình mạng (giữa các yếu tố có liên quan đến nhau)... để dễ nhớ, dễ hiểu và tìm ra mối liên hệ giữa các sự kiện. Nắm kết cấu của một vài sự kiện sẽ chắc hơn khi sử dụng sơ đồ hóa.

Chú trọng đến việc so sánh giữa các giai đoạn lịch sử (cả ta và địch), chủ trương và biện pháp của ta qua những giai đoạn lịch sử; âm mưu và thủ đoạn của địch qua các giai đoạn hay giữa các chiến dịch lịch sử. Ví dụ: so sánh Hiệp định Genever và Paris; chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh; giữa Chính cương sách lược vắn tắt với Luận cương tháng 10... để tìm ra điểm giống, khác nhau và nguyên nhân. Cần đào sâu suy nghĩ, tránh tình trạng cứ thuộc lòng mà không hiểu.

Những câu hỏi đã ra trong đề thi đại học năm trước, năm sau không lặp lại, nhưng nội dung có thể vẫn sử dụng nhưng hỏi ở góc độ khác. Do đó, HS phải học kiến thức toàn diện, tuyệt nhiên không học tủ, học lệch, không sa đà vào chi tiết.

Ví dụ: Trong hoàn cảnh lịch sử, năm trước có thể hỏi về khó khăn, nhưng năm sau lại hỏi thuận lợi; âm mưu, thủ đoạn của tất cả các thế lực đế quốc, hoặc chỉ hỏi của quân Tưởng...

Một lưu ý nữa với HS, trong hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT có thể giảm tải kiến thức, nhưng trong thi tuyển sinh ĐH không giảm, HS buộc phải học hết chương trình.

Nếu có điều kiện, HS nên học và trao đổi theo nhóm, bổ sung kiến thức cho nhau, vì nhiều khi thầy giảng chưa chắc đã nhớ khi nghe bạn nói. Đấy cũng là cách để HS nói được, tự hiểu được và chú ý kiểm tra đánh giá kiến thức bản thân.

Cách làm bài: Trước hết, HS cần phân tích đề bài. Đề hỏi gì trả lời cái đó. Ví dụ: hỏi Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, hoặc Bác đưa Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam... thì trả lời cụ thể vấn đề đó, không phải có bao nhiêu kiến thức về Bác Hồ là đưa tất.

Sau đó nên làm đề cương sơ lược trước khi bắt tay vào viết để tạo ra trật tự, trình tự viết mạch lạc. Trong thời gian làm bài, người ra đề thi đại học đã tính đến việc HS phân tích đề, lập đề cương. Sơ lược gạch đầu dòng, không phải bài nháp rồi chép lại. Cách này sẽ giúp cho HS không để mất ý lớn, điểm lớn hoặc nếu có chỉ mất những chi tiết nhỏ, mất tỷ lệ điểm ít.

Không viết đề cương, khi viết qua, chợt nhớ ra chi tiết thì không thể bổ sung vào khi trang giấy kín đặc. Làm đề cương nhằm vào nội dung câu hỏi chứ không lập mở bài, thân bài, kết luận. Hiểu nội dung cơ bản, HS sẽ biết tự mở bài ngắn gọn nhất, sát nội dung. Nháp được nội dung đề cương, tự khắc viết được mở bài. Cứ làm bài đến hết nội dung, tự HS sẽ đi đến được kết luận. Nhiều HS lại nháp rất kỹ mở bài, môn Sử không cần như vậy, mà phải nhằm vào thân bài, điểm nằm ở phần này.

Phải làm tất cả các câu hỏi có trong đề thi đại học, không làm một câu thật tốt mà câu khác không làm. Bố trí thời gian cho từng câu, 180 phút là 10 điểm, trừ thời gian nháp, có thể 1 điểm làm trong 15 phút. Chia theo tỷ lệ điểm và tránh việc dành thời gian cho 1, 2 câu. HS phải chủ động về thời gian làm bài. Câu nào dễ làm trước, khó làm sau.

VietNamNet

Đăng nhận xét

 
Top