Lo lắng trước kỳ thi đại học căng thẳng,
hầu hết thí sinh tăng cường độ luyện thi đại học lên mức cao nhất có thể: Học quá khuya,
ngồi cả ngày, không ngủ trưa… Tuy nhiên đây không phải là thời điểm nhồi nhét
các kiến thức. Lời khuyên dành cho sỹ tử là hãy nhớ những quy luật, những công
thức, lý thuyết, định nghĩa, định luật… và biết cách áp dụng trong từng bài tập
cụ thể.
Thời gian học hiệu quả thường khoảng 45
phút, sau đó nghỉ ngơi thư giãn vài phút. Khả năng lao động trí óc của con người
tăng dần từ sáng sớm tới gần trưa, sau đó giảm dần nên sau bữa ăn trưa cần có
giấc ngủ từ 20-30 phút. Không nên thức sau 10 giờ tối, vì đầu óc lúc này gần
như đã bão hòa, không còn tiếp thu thêm được nữa. Các sĩ tử nên dậy sớm từ 5 giờ
sáng, sau ít phút vận động nhẹ, có thể ngồi vào bàn học với đầu óc tỉnh táo,
tinh thần sảng khoái thì chất lượng ôn thi đại học sẽ rất cao.
Khi vào phòng thi, thí sinh bình tĩnh đọc
kỹ đề thi để có sự chủ động khi làm bài.
Trước khi thi
Đặc biệt là đối với thí sinh ở xa, trước
khi thi 1-2 ngày, tốt nhất nên đi xem địa điểm thi, phòng thi, bảng niêm yết số
báo danh. Sau đó, tính toán thời gian đi lại cần thiết, lối từ nhà, chỗ trọ đến
trường thi hợp lý nhất để khỏi lúng túng bị động trong các buổi thi. Phụ huynh
cần chuẩn bị một túi thuốc thông dụng, như: Cảm cúm, ho, sổ mũi, rối loạn tiêu
hóa...
Buổi tối cuối cùng trước ngày thi, phụ
huynh nên cùng thí sinh kiểm tra lại những vật dụng cần thiết cho tất cả các buổi
thi, như: Giấy chứng minh nhân dân, giấy báo thi, bút (2-3 cái cùng màu...),
bút chì đen loại mềm, dụng cụ gọt bút chì, tẩy, com-pa, thước kẻ... Tuyệt đối
không mang đến trường thi sách giáo khoa, tập vở ghi bài, đề cương ôn tập, bút
xóa, bút đỏ; phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết
bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi như điện thoại di động,
máy ghi âm, máy chụp hình… Ngoài ra, cần để đồng hồ báo thức, canh giờ để khỏi
ngủ quên trong những ngày thi đại học, cao đẳng.
Trong phòng thi
Khi vào phòng thi, thí sinh bình tĩnh đọc
kỹ đề thi đại học để có sự chủ động khi làm bài, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm
sau. Đừng bị sa lầy giữa chừng vì một câu khó nào đó và nhất thiết dành 10 phút
cuối buổi để đọc lại bài làm. Nếu xong sớm, thí sinh không vội vàng nộp bài, mà
cần đọc kỹ lại bài thi để sửa lỗi. Sửa được lỗi nào, dù nhỏ, cũng làm tăng giá
trị của bài. Trong một kỳ thi, 1/4 điểm cũng quý, thậm chí có thể “lật ngược thế
cờ”, từ trượt thành trúng tuyển.
Chú ý giữ gìn để có một tư thế đúng mực,
một cách ứng xử văn hóa trong phòng thi: Không quay ngang quay ngửa, gây ồn làm
phiền người khác, thưa gửi lễ phép với các thầy cô giám thị khi vào phòng thi
cũng như khi ra về.
Sau khi thi
Sau khi thi xong môn đầu tiên, thí sinh
cũng không nên quá lo lắng, xem đáp án môn vừa thi xong. Bởi xem đáp án ảnh hưởng
không tốt đến tâm lý. Bởi, nếu làm được bài thì dễ gây chủ quan cho các môn thi
tiếp theo, không làm được bài thì lại buồn chán. Do đó, sau khi thi xong thí
sinh nên nghỉ ngơi hợp lý, dành sức cho môn thi tiếp theo và luôn xác định trước
tâm lý phải cố gắng làm bài tốt nhất có thể cho đến môn thi cuối cùng.
Theo phunutoday.vn
Đăng nhận xét