Bỏ ra một năm để trải nghiệm, quyết định
học nghề, tự học hay khởi nghiệp sớm đều không phải là những quyết định dễ
dàng, càng khó hơn khi bạn không thực sự hiểu về sức mạnh và ước muốn của bản
thân. Trượt đại học không phải là ngày tận thế; thế giới ngoài kia vẫn còn nhiều
con đường khác chờ bạn.
LTS: Xung quanh câu chuyện học đại
học có phải là lựa chọn duy nhất cho các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp phổ thông,
Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Hoàng Đức Minh để độc giả cùng thảo
luận.
Cứ mỗi kỳ thi đại học, lại có những
khuôn mặt trẻ đầy háo hức, những khuôn mặt già vừa tràn trề hy vọng, vừa đầy ắp
âu lo nơi cổng trường. Cuối mỗi kỳ thi lại ngập nụ cười, nước mắt, thậm chí có
những bi kịch vì thất vọng.
Trúng tuyển và được học đại học là một
giấc mơ đẹp. Đúng! Nhưng có phải là duy nhất?
Tôi - một thanh niên bỏ ngang chương
trình đại học để đi làm, đột nhiên một ngày nhận ra rằng những người bạn được
coi là thành đạt nhất của mình lại thuộc hai nhóm: du học hoặc bỏ học (đại học).
Điển hình nhất là cô bạn Huyền Chip,
trong lúc bạn bè chúng tôi miệt mài trên giảng đường sau kỳ thi đại học, cô ấy
chu du khắp thế giới. Đến lúc thiên hạ tốt nghiệp đi làm, cô ấy lại xách ba lô
lên và đi học Standford. Cá nhân tôi cũng từ bỏ việc có được một tấm bằng đại học
sau 5 năm ngồi trên ghế giảng đường để theo đuổi công việc trong các dự án phát
triển và trở thành một cây bút tự do, dù rằng quyết định này khiến nhiều người
xung quanh tôi thất vọng.
Cách đây 2 năm, tôi và Huyền Chip tình cờ
cùng tham gia một sự kiện có tên "20, bỗng nhiên tôi muốn bỏ học", chẳng
mấy ai ngờ 2 năm sau, cô ấy lại đi học còn tôi thì bỏ học.
Gào, người cũng đã bỏ dở việc học để rồi
bất chấp mọi tai tiếng thì cũng không thể phủ nhận sự thật là chị là một tác giả
sách thành công. Đối với chị, tấm bằng đại học có lẽ chỉ có tác dụng đơn giản
là khiến một vài người khỏi vội vã coi thường năng lực của chị. Hà Thủy Nguyên,
một cây viết tài năng với cuốn sách đầu tay năm 16 tuổi cũng rời bỏ khoa Văn
trường Đại học KHXH&NV sau vài năm theo học.
Đại học không phải là mơ
Không phải tự dưng mà trong xã hội có những
người chủ động từ bỏ việc học đại học, bất chấp những rào cản và bất tiện trong
một xã hội còn chuộng bằng cấp.
Đầu tiên, phải thừa nhận rằng chất lượng
đào tạo đại học Việt Nam hiện vẫn còn nằm ở vị trí quá khiêm tốn trên bảng xếp
hạng khu vực. Mãi đến năm 2014, chúng ta mới có trường là ĐH Bách Khoa Hà Nội
và hai trường ĐH Quốc gia nằm trong bảng xếp hạng của châu Á (bảng Quacquarelli
Symond), và vị trí cao nhất thuộc về trường ĐH QG Hà Nội cũng mới chỉ nằm ở nhóm
161-170. Tỷ lệ giảng viên/ sinh viên thấp, thiếu vắng các nghiên cứu khoa học,
sinh viên ra trường khó tìm được việc làm đúng chuyên ngành đang là tình trạng
phổ biến.
Không chỉ biểu hiện trên bảng xếp hạng,
thực tế tấm bằng đại học cũng đang dần giảm "trọng lượng" trong hồ sơ
xin việc của các ứng viên. Xã hội chúng ta đang đối mặt với việc lạm phát cử
nhân, thậm chí là bắt đầu tiếp cận tới việc lạm phát cả thạc sĩ. Cách đây vài
ngày, Bộ LĐTB&XH mới công bố số liệu cho thấy Việt Nam đang có hơn 162.000
cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, chiếm gần 1/5 số người thất nghiệp trên cả nước.
Học hành vất vả, cạnh tranh gay gắt mới
đỗ được vào một trường đại học để rồi sau 4 - 5 năm ăn học tốn kém lại phải đối
mặt với nguy cơ thất nghiệp, làm việc trái ngành, năng lực không đảm bảo, là một
thực tế.
Hướng nghiệp: "thầy bói xem
voi"
Tình trạng trên không chỉ xuất phát từ
công tác tổ chức đào tạo của các trường, mà còn do chính tư duy, định kiến của
xã hội về việc học đại học.
Chính lối suy nghĩ "đỗ đại học là
vinh quang", "học đại học để đổi đời" đã khiến không ít gia đình
nông thôn nghèo khó bán trâu, bán lợn, vay nợ cho con đi học, để rồi lại chẳng
biết vay tiếp ở đâu cho đủ tiền xin việc khi con tốt nghiệp. Trong khi có những
cử nhân ra trường mãi chưa xin được việc làm, phải giấu bằng đi học nghề, bạn
bè của họ lại đã có công việc ổn định, dù chỉ học trung cấp hay kinh doanh nhỏ.
Dường như cả các sĩ tử lẫn cha mẹ họ đều
đang đặt quá nhiều kỳ vọng vào tấm bằng đại học. Tất cả đứa trẻ Việt Nam đều được
nuôi lớn và trao cho niềm tin rằng chúng cần học thật giỏi để đỗ đại học, áp lực
và nỗi sợ trượt đại học lớn đến mức có lúc đẩy nhiều thiếu niên vào hố sâu tuyệt
vọng.
Công tác hướng nghiệp tại Việt Nam hiện
nay còn quá yếu. Hệ thống giáo dục ở các nước phát triển không chỉ chú trọng đến
tư duy phản biện, khả năng tự lập mà còn đề cao sự tự do trải nghiệm của các cá
nhân. Dù vậy, hàng năm vẫn có vô số thiếu niên lựa chọn bỏ ra một, thậm chí vài
năm để trải nghiệm và tìm kiếm con đường của mình.
Sau mỗi kỳ tốt nghiệp, ra khỏi cổng trường
phổ thông, không ít bạn trẻ thiếu định hướng, chất đầy hai vai gánh nặng thi cử,
chọn trường theo điểm số và những lời khuyên truyền miệng. Để rồi 4 - 5 năm
sau, họ ra ra đời khi đã mài mòn hết ngây thơ, nhiệt huyết bằng những comment đả
kích trên facebook, bằng những lời dụ dỗ bán hàng đa cấp hay các khóa học làm
giàu.
Đại học chỉ là một lựa chọn
Hãy đặt các ngôi trường đại học trở về
đúng bản chất của nó: một ngôi trường. Người ta đến trường để đi học, mà học
thì là một công việc suốt đời. Điều đó có nghĩa là bạn có thể chọn học ở đại học
hoặc không, tùy vào năng lực và định hướng cuộc sống của chính bạn, và bạn cũng
có thể quyết định học ở đó lúc này hay lúc khác.
Theo tôi, câu hỏi quan trọng nhất lúc
này là "học để làm gì?". Hơn ai hết, chính bạn phải trả lời được câu
hỏi đó. Thực tế cho thấy những người làm việc không có đam mê thường chẳng thể
tiến xa trong xã hội.
Bỏ ra một năm để trải nghiệm, quyết định
học nghề, tự học hay khởi nghiệp sớm đều không phải là những quyết định dễ
dàng, càng khó hơn khi bạn không thực sự hiểu về sức mạnh và ước muốn của bản
thân. Trượt đại học không phải là ngày tận thế; thế giới ngoài kia vẫn còn nhiều
con đường khác chờ bạn.
Xin trích câu nói của Ts Giáp Văn Dương
- người sáng lập của Giapschool thay lời kết:
"Hãy sống.
Hãy sáng tạo.
Hãy bay bổng.
Hãy tò mò khám phá.
Hãy cất bước dấn thân.
Hãy tin vào bản thân mình.
Hãy vun đắp những khát vọng lớn.”
Theo vietnamnet.vn
Đăng nhận xét