TopBanner

 

Luyện thi đại học: Phương án giảm khó khăn cho 100.000 thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp

Với khoảng 100.000 thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp mà không dự thi ĐH, CĐ, các chuyên gia đề xuất nhiều phương án để giảm bớt khó khăn cho các học sinh này.

Báo điện tử VTC News đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục góp ý cho Dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 và Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.

Phương án giảm khó khăn cho 100.000 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp



Mỗi tỉnh có 1 cụm thi
Những tỉnh có điều kiện đi lại khó khăn có thể đề xuất với Bộ GD-ĐT thành lập cụm thi tại tỉnh, nhưng sẽ do các trường đại học chủ trì.
Các chuyên gia giáo dục đề xuất mỗi tỉnh có 1 cụm thi của kỳ thi THPT quốc gia để học sinh không phải đi lại hàng trăm km sang các tỉnh khác dự thi Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng trước đây địa phương phải lo 100% cho tất cả học sinh thi tốt nghiệp, nay chỉ lo cho một phần nhỏ, tỷ lệ này chiếm khoảng 20%, như vậy tiết kiệm được 80% kinh phí so với trước đây.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần thiết phải tạo điều kiện cho những thí sinh ở những vùng khó, đặc biệt cần quan tâm đến an toàn giao thông khi các em tham dự kỳ thi.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT cũng cho rằng mỗi học sinh sau khi học xong cấp 3 đều bình đẳng trong việc thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, thay vì tổ chức 34 cụm thi nên tổ chức mỗi tỉnh một cụm thi để học sinh đỡ phải di chuyển xa.

PGS Nhĩ cho rằng độ tin cậy của kỳ thi dựa vào 3 yếu tố là đề thi, tổ chức thi và chấm thi. Đề thi là đề chung do Bộ GD-ĐT ra nên có thể tin tưởng về độ an toàn và bảo mật. Tổ chức thi, Bộ GD-ĐT có thể chọn ra 63 trường ĐH, mỗi trường có nhiệm vụ chủ trì một cụm thi.

"Mỗi phòng thi hãy giao cho một giáo viên của Sở và một giáo viên của trường đại học coi thi, chế tài cũng cần thật chặt, nếu giám thị nào vi phạm sẽ đuổi ra khỏi ngành, như vậy sẽ không ai dám vi phạm", PGS Nhĩ đề xuất.

Còn việc chấm thi, Bộ GD-ĐT thu bài về các mối, sau đó giao việc chấm thi cho cả giáo viên phổ thông và đại học, có barem và giám sát chặt chẽ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói "việc gì khó cho ngành giáo dục mà có lợi cho học sinh thì cố gắng làm", dự thảo đổi mới thi 2015 khiến cho hơn 100.000 học sinh phải di chuyển tới các cụm thi liên tỉnh sẽ phải đi hàng trăm km sẽ gây nguy hiểm, tốn kém.

“Bên cạnh đó, đối với những thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT, Sở GD-ĐT có thể giảm gánh nặng cho các thí sinh bằng cách cấp cho những thí sinh này chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông. Các em học sinh này có thể đi học nghề, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông. Nếu có nhu cầu xét tuyển vào đại học, cao đẳng, khoảng 100.000 thí sinh có thể đăng ký tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia 2015 được tổ chức ngay tại địa phương đó. Các em sẽ không phải đi sang các tỉnh khác tham gia cụm thi liên tỉnh”.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng với vai trò quan trọng và ý nghĩa tác động của kỳ thi tới hơn một triệu học sinh, khâu chuẩn bị tổ chức thi là vấn đề được dư luận quan tâm thời điểm này.

Việc đặt cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và giao cho các trường đại học chủ trì là quyết định được đánh giá có thể bảo đảm sự khách quan, công bằng và nghiêm túc trong kết quả thi.

Tuy nhiên, từ thực tế điều kiện địa lý và nhiều yếu tố khác nữa cho thấy việc tổ chức tại mỗi tỉnh là một cụm thi riêng là phương án phù hợp.

“Lấy ví dụ, phương án của Bộ GD-ĐT quy định mỗi cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, nếu ở khu vực miền núi như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng… thì việc học sinh phải đi lại giữa tỉnh này với tỉnh kia để dự thi là cả một vấn đề.

Việc đặt tại mỗi tỉnh, thành phố một cụm thi không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của các thí sinh bớt vất vả, mà còn nhằm làm rõ và tăng cường trách nhiệm của địa phương đối với cụm thi đặt tại địa bàn mình. Cụm thi nào để xảy ra sự cố hoặc thiếu trách nhiệm trong khâu chuẩn bị, tổ chức thi sẽ chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc”, TS Tùng Lâm đề xuất.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Vụ Phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cũng đề xuất mỗi tỉnh nên lập 1 cụm thi để thí sinh không phải đi lại khó khăn. Đặc biệt, đối với những thí sinh ở những địa bàn khó khăn, Bộ GD-ĐT nên tổ chức cho các em thi ngay tại trung tâm xã, thị trấn nơi các em đang học để tránh việc phải đi lại hàng trăm km.

Cho 100.000 thí sinh thi trước?
Với suy nghĩ giảm áp lực cho các em học sinh ở các vùng khó khăn trong quá trình xét tốt nghiệp, một chuyên gia giáo dục đề xuất: "Tôi đề xuất 2 cách để học sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp phổ thông không bị khó khăn hơn. Đó là tổ chức cho những học sinh này thi tốt nghiệp trước tại các trường, đề thi đơn giản, gọn nhẹ. Kỳ thi này được tổ chức trước nửa tháng, để đến khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra, nếu các em đổi ý muốn xét tuyển ĐH thì có thể tham dự”.

“Cách thứ hai là vẫn để những học sinh này thi cùng thời điểm kỳ thi THPT quốc gia, thi tại trường với đề thi khác. Sau đó, nếu các em muốn thi ĐH thì có thể đăng ký thi tại các cụm thi như những năm trước ở Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng", vị chuyên gia nói.


Đề xuất mỗi tỉnh sẽ có 1 cụm thi để cho các học sinh vùng cao không phải đi hàng trăm km đến các cụm thi liên tỉnh  Không đồng tình với quan điểm này, PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên quy định một loại cụm thi và không nên quy định cho khoảng 100.000 thí sinh vùng khó có thể thi 2 kỳ thi.

“Không nên quy định như vậy để tránh tình trạng phân loại thành 2 loại thí sinh, 2 bằng tốt nghiệp khác nhau”, PGS Nhĩ nhận định.

TS Nguyễn Tùng Lâm đặt ra câu hỏi: “Tại sao trong dự thảo lần này Bộ GD-ĐT đã quyết định chỉ tổ chức một loại hình cụm thi cho tất cả thí sinh, song lại vẫn đặt ra vấn đề đối với những tỉnh khó khăn sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp?

Đặt giả thiết, nếu những thí sinh thi tại cụm thi tỉnh sau khi có kết quả thi lại có nguyện vọng dự tuyển vào ĐH, CĐ thì sẽ xử lý như thế nào? Nên tránh tình trạng phân biệt cụm này chỉ dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT, cụm kia dành cho thí sinh dự tuyển vào ĐH, CĐ để tạo tâm lý thoải mái cho mọi thí sinh”.

Trong khi đó, thạc sỹ giáo dục Kim Ngọc Minh cũng khẳng định: “Đã là kỳ thi THPT quốc gia thì tất cả các em học sinh cần được đánh giá thông qua một kỳ thi duy nhất”.

Góp ý cho Dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015, các chuyên gia mong muốn những ý kiến đóng góp của mình được lãnh đạo Bộ GD-ĐT lắng nghe để hoàn thiện dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ để sớm công bố trong thời gian tới.


Theo vtcnews

Đăng nhận xét

 
Top