TopBanner

 


Ôn thi đại học môn Văn: Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nở đến  khi kết thúc cuộc đời để làm nổi rõ bi kịch của nhân vật này

Xem thêm:  Chí Phèo và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

I.Khái quát về tác giả, tác phẩm và bi kịch của nhân vật
1.Nam Cao (1917-1951) là nhà văn hiện thực lớn có tư tưởng nhân đạo vừa sâu sắc, vừa mới mẻ, vừa độc đáo. Sáng tác của ông trước Cách mạng xoay quanh hai đề tài chính là trí thực tiểu tư sản và người nông dân cùng khổ. Điều làm ông day dứt đến đau đớn là tình trạng, nhân cách con người bị huỷ hoại. Là nhà văn có biệt tài phân tích tâm lý, Nam Cao đã khám phá ra những diễn biến nội tâm nhân vật vừa tất yếu, vừa bất ngờ rất thú vị. Qua việc tìm hiểu diễn biến tâm trạng Chí Phèo từ buổi sáng sau ghi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời, chúng ta cũng có thể thấy rõ điều đó.
2. “Chí Phèo là một kiệt tác của Nam Cao về đề tài người nông dân và là kết tinh khá đầy đủ cho tài năng nghệ thuật của ông. Tác phẩm đi sâu vào hai tấn bi kịch nối tiếp nhau. Thứ nhất là bi kịch bị tha hoá đầy đoạ, lăng nhục. Từ một người dân lương thiện bị xã hội biến thành kẻ bất lương, thậm chí thành con quỷ dữ. Bi kịch thứ hai là bi kịch bị từ chối quyền làm người.

Ôn thi đại học: Phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo

II.Phân tích diến biễn tâm trạng Chí Phèo
1.Trước hết là sự thức tỉnh. Bắt đầu là tỉnh rượu. Sau những “cơn say vô tận”, “bây giờ thì hắn tỉnh”. Sau đêm gặp Thị Nở, Chí Phèo đã sống lại cảm xúc đầy nhân tính. Hắn cảm nhận được không gian xung quanh với “cái lều ẩm thấp mới chỉ lờ mờ”. Đặc biệt, hắn đã cảm nhận được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống quanh mình : tiếng nói cười của mấy người đi chợ, tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá. Những âm thanh bình dị ấy ngày nào chẳng có, nhưng xưa nay, vì say, vì hắn đã bị xã hội làm mù điếc cả tâm hồn, không nghe được. Giờ đây được Thị Nở làm cho tâm hồn hắn sáng tỏ, thì những âm thanh ấy bỗng vang vọng sâu trong tim hắn như tiếng gọi tha thiết của sự sống.
Cùng với sự cảm nhận được bức tranh cuộc sống xung quanh, Chí Phèo cũng đã cảm nhận được một cách thấm thía về tình trạng thê thảm của bản thân mình già nua, cô độc, trắng tay. Đoạn đối thoại của hai người đàn bà đã gợi nhắc cho hắn về một ước mơ gia đình hạnh phúc, bình dị. Nhưng giờ đây “Chí Phèo chỉ thấy một thực tại buồn bã, cô đơn. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, điều này còn đáng sợ hơn đói rét, ốm đau”.

2.Sau khi tỉnh rượu, Chí Phèo đã tỉnh ngộ và hi vọng. Chí Phèo ăn bát cháo hành được trao từ bàn tay ấm nóng tình thương của Thị Nở, hắn vô cùng cảm động và thực sự phục sinh tâm hồn. Hắn rất ngạc nhiên, mắt hắn ươn ướt bởi vì “đây là lần thứ nhất hắn được người ta cho…xưa nay nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì”. Hắn nhận ra “Trời ơi! Cháo mới thơm ngon làm sao! Hương vị của cháo hành hay hương vị của tình yêu chân thành và cảm động, hạnh phúc giản dị và thấm thía lần đầu tiên Chí Phèo được hưởng đã thức dậy nhân tính bị vùi lấp bấy lâu? Trời ơi! Hắn thèm lương thiện! Hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Mọi người sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng của những con người lương thiện. Chúng sẽ làm thành một cặp rất xứng đôi. Chúng nhất định sẽ lấy nhau. Câu trả lời của Thị Nở lúc này sẽ quyết định số phận của Chí Phèo : được kết nạp trở lại xã hội loài người hay vĩnh viễn bị đày đoạ trong kiếp sống thú vật!? Chí Phèo hồi hộp hi vọng. Nhưng cánh cửa hi vọng vừa hé mở thì đã bị đóng sầm ngay lại. Vì bà cô Thị Nở không cho Thị Nở “đâm đầu đi lấy một thằng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ”. Chí Phèo nghĩ ngợi một lát rồi bỗng nhiên ngẩn người ra. Hắn “sửng sốt”, hắn lôi rượu ra uống. “Nhưng càng uống hắn lại càng tỉnh ra.Chao ôi! Buồn..” Hắn cứ thoảng thấy hơi cháo hành, hơi của tình yêu hạnh phúc đang sắp tuột khỏi bàn tay cố níu kéo của Chí Phèo rồi “ôm mặt khóc rưng rức”. Đây là đỉnh điểm của bi kịch tinh thần trong Chí Phèo.

3. Quằn quại trong đau khổ và tuyệt vọng, Chí Phèo xách dao ra đi. Nhưng hắn không rẽ vào nhà Thị Nở như dự định ban đầu ( đến đâm chết con đĩ Nở và con khọm già kia ) mà đến thẳng nhà Bá Kiến. Trong cơn say, hắn càng thấm thía tội ác của kẻ đã cướp thể xác, hồn người của hắn. Chí Phèo đã vung lưỡi dao căm thù lên chém chết Bá Kiến và quay lại tự kết liễu cuộc đời mình. Chí Phèo chết vì không tìm được lối thoát, vì xã hội không cho hắn sống. Gấp trang sách “Chí Phèo” lại, ta vẫn nghe văng vẳng đâu đây câu hỏi gay gắt đến tuyệt vòng của Chí Phèo : “Ai cho tao lương thiện?”. Đó là “Một câu hỏi lớn. Không lời đáp”, còn làm day dứt hàng triệu trái tim người đọc : “làm thế nào để được sống cuộc sống con người trong cái xã hội tàn bạo vùi dập nhân tính ấy?” Đấy cũng chính là bi kịch lớn nhất ở nhân vật yêu quý này.
Tác phẩm kết thúc, Chí Phèo chết, nhưng hiện tượng Chí Phèo chưa chấm dứt. Hiện tượng hàng vạn người nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường tha hoá, lưu manh hoá và khi ý thức nhân phẩm trở về thì bị xã hội lạnh lùng cự tuyệt vẫn chưa chấm dứt - chi tiết cái lò gạch bỏ không, vắng người qua lại hiện ra cuối tác phẩm khi Thị Nở nhìn xuống bụng, bỗng tưởng tuợng ra hình ảnh này đã nói với ta điều đó.

KÕt luËn

Quá trình diễn biến tâm trạng của Chí Phèo đã làm nổi rõ bi kịch: Sinh ra là người mà không được làm người. Qua đó, Nam Cao đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với khát vọng lương thiện trong con người và sự bế tắc của những khát vọng trong hiện thực xã hội thời bấy giờ. 

Đăng nhận xét

 
Top