TopBanner

 

Khi các trường công bố kết quả thi, chúng ta nhận thấy trong các thí sinh đã nỗ lực luyện thi đại học và đạt điểm cao nhất có cả học trò nhà nghèo ở nông thôn cũng như các “cậu ấm cô chiêu” nơi thành thị. Vậy ở đây có điểm gì chung giữa các thủ khoa? Đâu là lý do chung đằng sau thành tích xuất sắc của các thí sinh này?
 
Động lực ôn thi đại học của các thủ khoa mùa thi 2014
Mỗi thủ khoa đều có động lực rõ ràng để luyện thi đại học (Ảnh: Phạm Anh Quân - thủ khoa khối A ĐH KHTN

Từ chuyện người ông nội của thủ khoa 29,5 điểm…
Có thể thấy rằng, trong số các thí sinh đỗ thủ khoa có rất nhiều em được sự quan tâm sâu sát, ân cần của gia đình. Đọc các bài viết về thủ khoa đại học năm nay, tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện kể về ông nội của em Lê Bá Tùng, quê huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), thủ khoa ĐH Y Hà Nội (29,5 điểm khối B).

Trò chuyện với phóng viên, Tùng cho biết mặc dù gia đình có điều kiện, có thể học thêm ở ngoài, nhưng em tự học và ôn thi đại học là chủ yếu. Ở nhà ông nội là người quan tâm nhất đến việc học của Tùng. Suốt 12 năm học phổ thông, mỗi buổi tối khi Tùng ngồi vào bàn học là ông cũng ngồi cùng để động viên cháu học bài. Tình cảm và sự quan tâm của ông nội chính là động lực để em vươn lên đạt kết quả cao trong học tập.

Hay như câu chuyện của cậu học trò mồ côi mẹ, em Hồ Sỹ Duy, quê huyện Vũ Thư (Thái Bình), thủ khoa ĐH Y Thái Bình (28,5 điểm khối B). Mẹ Duy mất do bị điện giật khi em mới được 16 tháng tuổi, còn chưa cai sữa. Bố đi làm ăn biền biệt nên khi còn nhỏ, Duy ở với ông bà nội và người thân. Cậu bé mồ côi mẹ từ thuở sơ sinh được người chú là giáo viên dạy Toán cấp 2 rèn giũa và truyền đam mê học tập ngay từ bé. Chính vì thế 12 năm học, Duy luôn là học sinh giỏi toàn diện, được trao hàng loạt giải thưởng cấp tỉnh.

Với em Nguyễn Ngọc Anh - thủ khoa Trường ĐH Y dược Hải Phòng (29 điểm khối B) và thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (28,5 điểm khối A), sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông thuộc huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), em may mắn có mẹ làm nghề giáo, nên em từ nhỏ đã được mẹ kèm cặp, dạy dỗ. Ngọc Anh được mẹ tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để em phát huy tối đa trong học tập và quá trình ôn thi đại học.

"Trong mỗi kì thi lớn nhỏ, mẹ luôn đưa em đi, mẹ dành cho em tất cả những gì thuận lợi nhất từ tình cảm, vật chất để em yên tâm học tập, thi cử. Mẹ là người ảnh hưởng lớn nhất với em” - Ngọc Anh nói.

Với em Vũ Trọng Nghĩa ở quận Long Biên (Hà Nội), thủ khoa khối A của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (27,5 điểm khối A), sống trong một gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, em luôn được tạo mọi điều kiện tốt nhất để học tập. Mẹ là giáo viên dạy Toán nên ngay từ nhỏ, Nghĩa đã được kèm cặp việc học cũng như rèn luyện tính cách.

Khi đam mê dẫn đường
Để đạt được thành tích cao trong học tập mà mới nhất là đỗ điểm cao vào các trường đại học, ngoài sự quan tâm động viên của gia đình, bản thân các thủ khoa luôn có đam mê trong học tập và quá trình ôn thi đại học.

Chia sẻ về cách học của mình, thủ khoa quê lúa Hồ Sỹ Duy tâm sự: “Đối với em, học tập cần có đam mê và cần rèn luyện cho bản thân phải yêu thích các môn học, chứ không phải là gượng ép mình”. Duy thích nhất môn Hóa, chính vì vậy mà trong tất cả các môn tự nhiên, điểm tổng kết môn Hóa của em bao giờ cũng cao nhất.

Với thủ khoa Tống Hữu Nhân, từ nhỏ em ước mơ làm bác sĩ nên quyết tâm thi vào ngành Y đa khoa, Trường ĐH Y dược TPHCM. Bởi vì theo Nhân, học ngành Y sau khi ra trường có việc làm, cuộc sống ổn định mới từ đó có điều kiện đóng góp nhiều cho xã hội và đặc biệt là khám chữa bệnh cứu giúp người nghèo.

Với thủ khoa Vũ Trọng Nghĩa, em có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn Vật lí. Cũng nhờ niềm đam mê đó mà Nghĩa đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi về Vật lí. Trong suốt 12 năm học, Nghĩa đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và điểm số trung bình các môn đều trên 9,0.

Cô học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ Nguyễn Thị Bích Phượng ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) cho biết: “Từ lúc nhỏ, em đã yêu thích môn Văn rồi. Hồi học lớp 9, em rất thích nhìn cô giáo Thủy đứng bục giảng dạy môn Văn. Chính từ đó, em quyết tâm trở thành cô giáo dạy Văn để mang kiến thức, nét đẹp, câu văn hay truyền đạt lại cho học sinh nơi đây, bởi chiếm hơn 90% là người dân tộc Kor nên điều kiện tiếp thu kiến thức còn có hạn”. Đây chính là động lực để em ôn thi đại học và đạt thành tích cao.

Quan trọng là trong học tập phải có mục tiêu!
Học và đi thi với tâm thế phải đỗ điểm cao, thậm chí là đặt mục tiêu đỗ thủ khoa (như cậu học trò quê lúa Hồ Sỹ Duy đề ra quyết tâm "đỗ thủ khoa của một trong hai trường dự thi"), thì sẽ khác hoàn toàn với việc học và thi để không bị trượt. Đấy là chưa nói đến những thí sinh đi thi đại học chỉ vì “bố mẹ em muốn thế”, trong khi bản thân các em cũng chả có dự tính gì, đi thi theo kiểu hên xui.

Trong số nhiều thủ khoa đại học năm nay, nhiều em cho biết trước khi đi thi đều đặt quyết tâm phải thi đỗ trường mình đã chọn.

Với em Phạm Anh Quân ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), thủ khoa khối A 27,5 điểm Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), em kiên quyết trung thành với tôn chỉ “luôn đặt mục tiêu cao hơn nữa” ở mọi môn học. Mỗi năm học, em lại cố gắng để đạt điểm số cao hơn và giữ “phong độ” đầu bảng của mình.

Không chỉ đạt điểm cao ở những môn khối A, B thế mạnh, ngay cả ở những môn học ít được các bạn học sinh đầu tư thời gian như Giáo dục công dân, tin học…, Quân cũng đạt 10 điểm tròn.

“Trước khi đi thi đại học, em cảm thấy có một chút áp lực cũng vì mình đã đạt thành tích tốt ở trường phổ thông, nếu chẳng may thi không tốt thì mọi người sẽ hỏi tại sao điểm ở trường cao mà thi lại thấp. Vậy nên em cố gắng làm cẩn thận hết mức để không bị mất điểm bởi các lỗi trình bày, nhầm lẫn…”, Quân nói.

Với em Phạm Đức Toàn ở TP Vinh (Nghệ An), thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội (29,5 điểm khối A), mục tiêu được đi du học, trở thành một nhà kinh tế thành đạt là động lực để Toàn phấn đấu học tập, ôn thi đại học.

Đặc biệt là với những thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chính cảnh sống của gia đình là một động lực để các em càng thêm quyết tâm thi đỗ, mong học tập có kiến thức để sau này đi làm san sẻ gánh nặng với cha mẹ.

Chia sẻ cùng PV Dân trí, em Hoàng Nghĩa Bính, ở xã Hưng Hòa (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), thủ khoa Trường Sỹ quan Lục quân 1 (26 điểm khối A) cho biết: “Một mình mẹ em làm ruộng quanh năm đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ gạo ăn cho cả nhà, còn tiền thuốc lo cho bố thì mẹ vay hàng xóm, vay ngân hàng, tiền chi tiêu hằng ngày mẹ phải đi phụ hồ… Em quyết ôn thi đại học và vào trường này thì mới được học đại học, vì được lo chỗ ăn ở, không mất tiền học phí và đầu ra cũng có Quân đội thu xếp. Còn những trường khác thì mẹ sẽ không nuôi nổi…”.

Còn với em Mai Thị Thắm ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), thủ khoa ĐH Hồng Đức (23,5 điểm khối C), chính hoàn cảnh mẹ bị bệnh tâm thần, anh trai qua đời do tai nạn giao thông, nhà chỉ còn hai chị em gái, Thắm tự nhủ mình phải thay anh chăm sóc gia đình, phải cố gắng nhiều, học đạt kết quả thật tốt để giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn để thoát khỏi cảnh sống khó khăn của gia đình.

Như vậy, từ rất nhiều các câu chuyện về thủ khoa mùa thi đại học năm nay, chúng ta có thể thấy sự quan tâm của gia đình, niềm đam mê trong học tập của bản thân thí sinh và đặc biệt là mục tiêu thi đỗ ngành mình đã chọn là những yếu tố giúp các thủ khoa đạt kết quả cao trong kì thi đại học.

Xin chúc mừng thành tích xuất sắc của các thủ khoa mùa thi đại học năm 2014. Tuy vậy, đỗ thủ khoa chỉ là thành tích đầu tiên trong chặng đường đại học của các em. Chúc các em tiếp tục phấn đấu nơi giảng đường đại học để mai sau tốt nghiệp ra trường trở thành những người có ích, đóng góp cho xã hội.
Theo dantri.com.vn


Đăng nhận xét

 
Top